Theo khảo sát của phóng viên VnExpress, bắt đầu từ 25 tháng Chạp, khoảng 60% cụ già ở các trung tâm dưỡng lão trên địa bàn thành phố Hà Nội được con cháu đón về. Còn 20-40% sẽ đón Tết cùng các nhân viên trong trung tâm bởi người thân ở nước ngoài; hoặc các cụ sức khỏe yếu khiến gia đình không thể chăm sóc chu đáo và có chuyên môn như các điều dưỡng viên... Theo xu thế của xã hội hiện đại, ăn Tết trong viện dưỡng lão đã và đang trở thành một nhu cầu của thời đại mới.
Nói về câu chuyện để cha mẹ già sống trong viện dưỡng lão, độc giả Vương Diệp cho rằng: "Hy vọng xã hội sẽ thay đổi định kiến về việc con đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Đó không phải là bỏ bê trách nhiệm, là bất hiếu. Nhiều người có quan niệm 'không đâu bằng nhà mình' và áp đặt lên tất cả. Người già tính khí thay đổi, cộng thêm có bệnh tật cần chăm sóc 24/7, nếu có điều kiện thì vào viện dưỡng lão là một lựa chọn hợp lý. Thực tế, dù bạn có thuê được một hộ lý, y tá tại gia thì trang thiết bị cũng không thể đầy đủ như trong viện được.
Ví dụ, người già gặp vấn đề về hô hấp, bạn cấp cứu kiểu gì? Đường huyết ông bà bất ổn định, bạn kiểm soát kiểu gì? Thậm chí, khi người già lú lẫn, không thể mô tả được cảm giác, triệu chứng bệnh, bạn chăm sóc ra làm sao? Có nhiều nhà chăm người bại liệt rất kỹ lưỡng vẫn để lở loét vì không có kiến thức y khoa.
Tôi không nghĩ một người bỏ bê công việc ở nhà chăm 'cha già mẹ héo' lại có hiếu hơn người đi làm kiếm tiền để chi trả vài chục triệu một tháng cho chi phí chăm cha mẹ trong viện dưỡng lão. Nhiều người già lẫn không còn nhận ra con cháu thì lúc ấy một cô y tá chắc chắn có ích hơn đứa cháu chỉ biết ngồi bóp chân tay.
Nghĩ một cách công bằng, con một tuổi thì cha mẹ cũng tống đi mẫu giáo, dù đầy rủi ro (bị cấu véo, bỏ ăn, khóc hờn), chứ có nghỉ làm ở nhà ấp cho đến lớn không mà nay đòi hỏi con cái phải ở nhà chăm cha mẹ đến khi lìa đời?".
>> 'Ảo tưởng viện dưỡng lão là thiên đường của tuổi già'
Trong khi đó, nhìn nhận câu chuyện này dưới góc độ hai chiều, bạn đọc Nguyencuong nhận định: "Trải rộng vấn đề này quá sẽ gây tranh luận không ngừng. Tôi cho rằng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà quyết định biện pháp nào là tốt nhất, hay chính xác hơn là phù hợp hơn. Quan trọng là cái thực tâm hiếu thảo để đưa ra chọn lựa cái này hay cái kia mới ổn.
Thực sự, viện dưỡng lão không phải là hoàn hảo như bệnh viện hay lúc nào cũng có sự tận tâm. Và nói gì đi nữa, người già trong viện dưỡng lão luôn thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhưng ở hướng ngược lại, người già ở nhà sẽ khó tránh bất đồng giữa các thế hệ, con cháu thiếu kiến thức chăm sóc...
Dẫu sao, để xã hội phát triển, việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão cũng sẽ giúp ích ít nhiều cho con cái toàn tâm toàn ý hơn trong công việc, năng suất lao động cũng cao hơn, từ đó giúp tạo ra nhiều giá trị hữu ích hơn cho xã hội. Đó là mặt lợi ích cho xã hội, nên sẽ là xu hướng không thể đảo ngược.
Vấn đề còn lại ở đây chỉ là sự tốt lên của viện dưỡng lão, của an sinh xã hội và tính độc lập của người già, tất nhiên là cả sự hiếu thảo của con cái để bù đắp sự trống vắng tuổi cô đơn này. Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày, cha mẹ nuôi con không cần viện dưỡng nhi, con nuôi cha mẹ không nặng viện dưỡng lão. Nói thẳng ra là thế".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.