Một vấn đề mà nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây là cha mẹ có cần thiết phải để lại thừa kế cho con cái hay không? Và nếu có thừa kế thì bao nhiêu là đủ?
Dưới góc độ của người làm con, tôi chỉ cần bố mẹ có tài chính đủ cho tôi một môi trường phát triển bình thường là được, không cần họ để lại tài sản gì. Trừ khi cha mẹ là tỷ phú với những điều kiện vượt bậc, thì tôi có thể sẽ khác đi, còn không, với những người cha mẹ bình thường chỉ có một ngôi nhà, một mảnh đất, thêm vài triệu đồng chi tiêu mỗi tháng lại thì tôi xác định bản thân phải tự lo lấy cuộc sống của mình.
Đích đến của thành công là gì? Phần lớn người bình thường ở ta hiện nay, cho rằng có nhà, có xe, có con cái là được coi thành công rồi đó. Vậy nên mới có tâm lý mong chờ những thứ đó từ cha mẹ để rút ngắn quãng đường tới đích. Nhưng những người có thể làm thay đổi xã hội sẽ không bao giờ chỉ dừng lại ở một con số. Apple hay Samsung dù chẳng thiếu tiền hay vị trí đứng, nhưng họ vẫn không ngừng thay đổi để tiến bộ, phát triển hơn. Muốn học tập người thành công, hãy cố gắng nhìn xa hơn những gì họ làm, họ trải qua, đừng chỉ lúc nào cũng nhìn vào "cái thìa vàng" của họ.
Tôi không phản đối thừa kế. Nhưng việc nhiều người kêu rằng con cái cần phải có tài sản để thành công, hay thành công sớm hơn, bớt vất vả hơn những người không có gì thì tôi thấy chỉ là ngụy biện. Xã hội luôn thay đổi. Thời nay ôtô ở Việt Nam được xem là sang, nhưng ở nhiều nước khác lại là phương tiện quá bình thường. Biết đâu 20 năm nữa, người ta lại đua nhau mua trực thăng.
>> Tôi muốn các con vui vẻ nhận thừa kế
Tôi là người bình thường thì con tôi cũng sẽ chỉ là người bình thường như tôi. Nếu nó may mắn "đột biến" ở chỗ nào đó thì mới có thể có bộ óc thiên tài. Vậy nên, nếu có một đứa con, không bao giờ tôi nuôi mộng nó thành ông này, bà nọ. Tôi chưa rõ sẽ phải nuôi con ra sao, nhưng chắc chắn tôi sẽ không khiến chúng trở một người vô dụng tới nỗi nghĩ rằng phải có của cải cha mẹ để lại, hoặc cha mẹ phải giàu có thì nó mới thành công.
Tôi sẽ nuôi con bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn, những kiến thức, kinh nghiệm có được. Khi trưởng thành, tôi hy vọng con đủ mạnh mẽ bước ra biển lớn để vùng vẫy, làm những điều mình thích. Nó thành công hay thất bại thì tôi vẫn sẽ yêu thương vậy thôi.
Tôi thật sự không hiểu vì sao nhiều bậc cha mẹ phải bí mật dành một khoản thừa kế cho con để làm gì? Khả năng thành công cũng như thất bại của mỗi người đều cao như nhau. Vấp ngã rồi đứng dậy, thứ đó mới làm con người ta vững vàng hơn chứ không phải tài sản cha mẹ để lại. Cứ chăm chăm dành dụm thừa kế cho con thì bao nhiêu mới đủ?
Muốn giàu nhanh, nhưng không có kinh nghiệm, kiến thức, tham lam mới là người thất bại. Một phần lớn của điều này tới từ sự giáo dục, bao bọc quá mức của của cha mẹ. Nên người ta hay thấy con nhà nghèo trưởng thành hơn do họ phải trải nghiệm nhiều thứ hơn. Còn thành công hay không thì chẳng phải lý do đến từ việc nghèo đói. Về phía mình, tôi thấy phần lớn những người có tư tưởng để lại cần câu với kiến thức, kinh nghiệm cho con cái, là những người có cái nhìn thực tế và thuyết phục hơn nhiều. Những người này thường không nghèo.
>> Tôi tự mua nhà Sài Gòn, không cần tài sản thừa kế
Thời nay, nếu cha mẹ có một nền tảng từ cơ bản trở lên, đứa con được học hành, phát triển, có đủ năng thể chất, tinh thần lao động, học tập... để sẵn sàng 18 hoặc 22 tuổi trưởng thành, tự kiếm sống mà không phải lo ngược lại, thì đó đâu thể gọi là tay trắng vào đời được? Thành phần này chiếm 80% xã hội.
Rất nhiều người nói giờ thành công, có đủ nhà xe, tiết kiệm, nhưng nghĩ rằng nếu có tài sản bố mẹ để lại sẽ thành công sớm hơn. Điều này chắc chỉ đúng khi thành công của họ gói gọn trong cái nhà, xe - thứ có tiền là mua được luôn. Còn nếu họ thành công hơn về sự nghiệp như kinh doanh, không lẽ họ không nghĩ những trải nghiệm đã qua giúp họ trở nên vững vàng hơn? Nếu có sẵn 1 khoản mà không có những trải nghiệm, liệu họ có thành công? Các công ty startup phần lớn vẫn là thất bại, trải qua nhiều lần như vậy họ mới có bài học để thành công.
Nếu bạn có phương tiện đánh bắt cá thì bạn bắt ở đâu cũng được. Nhưng nếu không có, thì dù cái hồ ngay trước mặt, bạn cũng chỉ có thể đứng nhìn cá bơi mà thôi. Khi con đã trưởng thành rồi thì chúng nên tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, đừng nghĩ đến chuyện thơm lây nhờ bố mẹ. Vì câu "có thực mới vực được đạo" nên không mấy người tin nghèo về tư duy, kiến thức nguy hiểm hơn nhiều lần nghèo về vật chất.
Tôi thấy rằng được thừa kế hoàn toàn không phải là nguyên nhân của sự thành công. Với người bình thường, số tài sản đó chỉ có thể giúp họ duy trì cuộc sống bình thường mà thôi, và họ cũng không thể ngồi im hưởng thụ, mà vẫn phải cố gắng để duy trì trạng thái sẵn có. Với người tài giỏi, họ có thể phát triển được số thừa kế đó như bước đệm, nhưng họ cũng phải trải nghiệm nhiều thứ, học hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cộng thêm tài năng nữa, nên cũng không phải là ngồi không hưởng thụ. Và dù họ không nhận của bố mẹ, những người này cũng hoàn toàn tự tạo ra của cải được.
Phần còn lại là những người nhận tài sản rồi thụt lùi. Chẳng phải vì bố mẹ họ ít của, chỉ là họ không biết cách tạo thêm, không thể thay đổi khi thời thế thay đổi thôi. Và một số ít ăn chơi hư hỏng, cứ nhậm là hết, thì cái này do cách nuôi dạy của cha mẹ là nhiều, giàu nghèo gì cũng có thành phần này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.