Đọc bài viết: "Vấn đề của 'ôm bọc tiền dưỡng già để không phụ thuộc con cái'" của tác giả Minh Thiện và rất nhiều ý kiến bình luận của các độc giả VnExpress, tôi thấy có nhiều điểm giống với trường hợp của tôi. Nhân câu chuyện đang gây nhiều tranh cãi này, tôi xin gửi đến bạn đọc câu chuyện của mình và một người bạn để góp thêm một góc nhìn cá nhân.
Bạn tôi năm nay 57 tuổi, kém tôi 12 tuổi, đang kinh doanh bất động sản và hải sản xuất khẩu. Cách đây 10 năm, do làm việc quá nhiều, không quan tâm đến sức khỏe, cộng thêm chuyện vợ chồng chia tay nên bạn càng lao đầu vào công việc. Hậu quả, bạn ốm nặng. Lúc đầu, do không tích cực chạy chữa, nên chỉ 5 tháng sau, bạn bị kết luận bệnh ở giai đoạn cuối và nhanh chóng ngã quỵ từ đó.
Trên giường bệnh, bạn viết di chúc cho hai con, để lại cho mỗi đứa một phần tài sản của mình. Số còn lại, bạn giữ để thanh toán các khoản vay ngân hàng và duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, bệnh tình của bạn trở nặng nhanh chóng, bạn rơi vào hôn mê liên tục, không nói được và hoàn toàn bất lực.
Thế nhưng, điều đáng nói là những người con của bạn đều thờ ơ với việc chăm sóc vì nghĩ rằng bố sẽ không qua khỏi. Các luật sư thậm chí còn được mời đến đề phân chia tài sản theo di chúc, trong khi bạn vẫn đang tiếp tục chạy chữa. Bạn được chuyển qua nhiều bệnh viện và bác sĩ trong và ngoài nước. May mắn, bốn tháng sau, bạn bắt đầu nhận thức được và điều thần kỳ xảy ra khi sau một năm điều trị tích cực, bạn đã hồi phục. Ước tính chi phí chính cho một năm chữa bệnh đó xấp xỉ 30 tỷ đồng.
Sau khi bình phục trở lại, bạn mới biết được rằng công ty, tài sản đã bị con cái mang đi sang nhượng hết. Bạn lập tức nhờ luật pháp can thiệp, đề nghị tòa hủy toàn bộ các văn bản thừa kế kể cả hợp pháp và không hợp pháp trước đó. Khi các con quy thuận, bạn mới chia cho một phần tiền cho con. Từ đó tới nay, dù gia đình yên ổn, nhưng bạn vẫn buồn và tủi thân khi nghĩ về chuyện con cái chia tài sản thừa kế khi bố chưa qua đời năm xưa.
Rất may, vì bạn là người rất chăm chỉ và lạc quan, nhiều mối quan hệ, bất động sản mấy năm lên giá... nên sau này, tư tưởng của bạn cũng dần ổn định. Các bạn thấy đó, nếu không có tiền, liệu bạn tôi có sống nổi không? Và nếu không có tiền, con cái có quy thuận bạn tôi không?
>> Tại sao con lại muốn chia phần tiền dưỡng già của cha mẹ?
Còn tôi, bố mẹ vốn là nông dân, không có tài sản gì đáng giá. Khi bố mẹ bị bệnh nặng, tôi đưa họ vào ở với mình để tiện chăm sóc. Suốt gần 20 năm nay, tháng nào bố cũng đi hóa trị, mẹ lại đi bệnh viện tái khám, có bác sĩ đến nhà thăm nom hằng ngày, nên sức khỏe của họ ngày một cải thiện, cuộc sống đổi thay, tinh thần thoải mái. Dù 98 tuổi, các cụ vẫn minh mẫn, vui vẻ, làm thơ, xem thể thao mỗi ngày...
Tuy gia đình chỉ có mình tôi kinh doanh, nhưng phương châm sống của tôi là "không phải tất cả chỉ vì tiền mà là vì cuộc sống", nên luôn dành thời gian nhất định để quan tâm chăm sóc gia đình, san sẻ các hoạt động xã hội. Hiện tại, mặc dù tuổi cao, nhiều bệnh, không kinh doanh nữa, nhưng mỗi năm tôi cũng hỗ trợ địa phương, phường xóm vài trăm triệu đồng trở lên. Trong nhà tôi lúc nào cũng đông vui.
Hơn 10 năm sống chung, bốn thế hệ gia đình tôi vẫn vui vẻ, hòa thuận. Con tôi trước năm 27 tuổi không biết gì nhiều về tiền bạc, kinh tế, chỉ lo học hành. Mặc dù học xong ở nước ngoài, có những công ty lớn tại đó sẵn sàng nhận vào làm việc, cấp cả nhà riêng tại bên đó, nhưng con vẫn quay về Việt Nam để được ở gần bên cha mẹ. Tháng lương đầu tiên, các con dành để chuyển về cho mẹ. Ngay cả khi tôi cho con vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, hoặc cho hẳn căn nhà mặt tiền, các con cũng nhất quyết không chịu nhận, vì quen tính tự lập, bố mẹ chỉ cần đồng hành, hỗ trợ khi thực sự cần.
Cuộc sống, thu nhập, chi tiêu gia đình các con hiện tương đối cao, tuy nhiên tất cả đều không ỉ lại, rất tự lập, luôn phấn đấu từng ngày và cũng sống rất tình cảm, biết quan tâm nhau. Mỗi kỳ lễ Tết, hoặc khi không đi du lịch, các con đều sum họp, ăn cơm chung. Nhiều khi thấy con làm việc quá nhiều, tôi khuyên chúng chuyển sang các công ty trong nước mà làm cho đỡ vất vả, nhưng các con vẫn không chịu.
>> 'U60 để tiền dưỡng già thay vì đem cho con cái'
Bản thân tôi cũng đã trải qua ba lần chết đi sống lại, từng nằm liệt hơn ba tháng vì tổn thương cột sống. Có bữa, tôi đột quỵ, gục ngay giữa lúc uống cà phê sáng,. Vào viện cấp cứu, tôi bị kết luận viêm gan cấp do uống thuốc khớp không nguồn gốc, bệnh viện phải hội chuẩn khẩn cấp. Nhờ có bác sĩ giỏi, sẵn thuốc men, có điều kiện chăm sóc tốt, đặc biệt có tình cảm, sự động viên của vợ, con mà tôi nhanh chóng hồi phục và đủ sức khỏe.
Vợ tôi năm 1998 cũng phải mổ tim, may mắn tới nay vẫn ổn. Số tiền viện phí và điều trị bệnh đó, bảo hiểm chỉ chi một phần rất nhỏ, và cũng không chỉ là vài ba tỷ đồng là đủ được. Nếu tôi không có sự chuẩn bị trước về mặt kinh tế, có lẽ đã không sống được đến giờ này. Mặc dù là người trong cuộc, sống chung nhiều thế hệ, tôi vẫn khuyên các bạn trẻ khi xây dựng gia đình không nên sống chung một nhà với cha mẹ mà chỉ nên sống gần để tiện qua lại.
Cha mẹ nào cũng thương yêu con cái và đứa con có hiếu nào cũng luôn nghĩ về cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều khi điều kiện và hoàn cảnh không cho phép chúng ta được thực hiện được tất cả ước muốn của mình. Hơn nữa, xã hội phát triển thì các tiêu chuẩn đạo đức cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Cái bóng của cha không thể cứ bao bọc hết cuộc đời con mãi mãi. Sống riêng gần cha mẹ vừa độc lập, tự chủ, lại vừa có điều kiện thăm nom lẫn nhau.
Qua câu chuyện trên của tôi và người bạn, các bạn thấy rõ ràng rằng tiền không phải là tất cả, nhiều tiền không phải là thuốc tiên, nhưng ít tiền cũng rất cơ cực nếu con cái mình không có điều kiện hỗ trợ. Muốn vậy, ngay từ khi còn khỏe, còn trẻ, mỗi người hãy đặt kế hoạch cho mình ở từng giai đoạn, để phấn đấu thực hiện tích lũy cho tuổi già sau này. Người già chúng ta, nếu thương con, càng phải biết buông bỏ, bao dung, đặt mình vào hoàn cảnh của con cháu để thấu hiểu cảm thông cho cuộc sống vất vả của chúng. Chúng ta chỉ hạnh phúc an hưởng tuổi già khi có tiền trong tay, có sức khỏe, con cái sum vầy, thành đạt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.