Thời gian có nhiều bài viết tranh luận về chủ đề chữ hiếu khi con cái đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Có người cho rằng hành động đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm của phận làm con, nhưng cũng có ý kiến phản biện rằng khi không có đủ điều kiện để tự tay phụng dưỡng cha mẹ già thì lựa chọn viện dưỡng lão cũng là một cách báo hiếu.
Cá nhân tôi lại nhìn nhận câu chuyện này dưới một góc độ khác. Đó là tại sao cũng ta phải đổ hết trách nhiệm quyết định cho thế hệ trẻ rồi tranh cãi xem thế nào mới là có hiếu? Tại sao người cao tuổi không chủ động lựa chọn cho mình một phương án tốt nhất và có sự chuẩn bị từ sớm để thực hiện kế hoạch của mình, thay vì thụ động chờ đợi tuổi già ập đến và lệ thuộc vào con cháu, vô tình đẩy thêm gánh nặng cho chúng?
Tôi năm nay đã ở độ tuổi U60 và sầm sập tuổi già, nên tôi rất hay đọc những chia sẻ của mọi người về chủ đề này và tự chiêm nghiệm, rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình. Cá nhân tôi luôn tin rằng "nước mắt lúc nào cũng chảy xuôi". Cha mẹ chăm con là điều hiển nhiên, còn chờ đợi con cái chăm sóc lại đấng sinh thành sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Xã hội ngày nay phát triển nhanh, kéo theo những phân hóa rõ rệt trong từng thế hệ. Nói về giới trẻ bây giờ, tôi nghĩ rằng chúng chịu nhiều áp lực hơn mình thời trước. Ngày nay đất đai không còn giá rẻ, công việc cạnh tranh, kiếm được đồng tiền không hề dễ, trong khi vật giá ngày càng leo thang, riêng chuyện học hành, nuôi con cái bây giờ cũng rất đắt đỏ. Thế nên thế hệ 7X, 8X khi về già, nếu không có lương hưu và con cái không thành đạt, sẽ khổ hơn thế hệ 6X trở về trước rất nhiều.
>> Tuổi già tự lo dù con cái chi tiêu 100 triệu đồng mỗi tháng
Con cháu chúng ta sau này có thể yêu thương bạn nhưng không thể có thời gian và sức lực để phục vụ tốt cho bạn trong một thời gian dài. Việc bắt con cái tự tay chăm sóc cha mẹ già trong một khoảng thời gian dài không những không đem lại giá trị của chữ hiếu, mà đôi khi còn khiến tình cảm gia đình thêm sứt mẻ vì những xung đột không đáng có.
Bản thân tôi không muốn con cái phải vất vả phục dịch mình, nhưng cũng không lựa chọn viện dưỡng lão làm chốn dung thân. Không phải vì tôi lo con bị đánh giá là bất hiếu, mà đơn giản vì chi phí cho viện dưỡng lão không hề rẻ như nhiều người vẫn nghĩ. Vào viện dưỡng lão thực tế là bạn phải chi ra ba khoản tiền cho các mục đích: thuê nhà ở, thuê người chăm sóc, thuê người nấu ăn. Rõ ràng gánh nặng chi phí sẽ là không hề nhỏ với những người đã hết tuổi lao động, trong khi bắt con cái phải chi trả khoản tiền này cũng chẳng phải điều gì tốt cho chúng.
Tôi nghĩ rằng, tuổi già là cả một hành trình chuẩn bị của tuổi trẻ. Nên bất cứ ai khi bắt đầu có tuổi cũng đều cần phải chủ động chọn cách an hưởng tuổi già cho riêng mình. Vào viện dưỡng lão đương nhiên là một phương án rất tốt về mọi mặt, nhưng nó đòi hỏi bạn phải có kinh tế thật tốt. Còn nếu không, việc cố vào đó sẽ chỉ khiến bạn và con cái thêm mệt mỏi.
Cá nhân tôi không phải quá dư dả về mặt tài chính, nên dự định của tôi là khi thể chất kém đi và không còn minh mẫn nữa, tôi sẽ thuê giúp việc để ở cùng nhà với mình (chi phí chắc chắn rẻ hơn vào viện dưỡng lão). Ở nhà, tôi vẫn có thể đỡ đần chuyện nhà, hoặc đơn giản là trông nom nhà cửa cho con cháu, để chúng có thể yên tâm đi làm, đi học.
>> 'Đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão cũng là có hiếu'
Tất nhiên, để làm được vậy, trước hết tôi cần có một khoản tiền nhất định và tài sản riêng. Vậy nên, tôi luôn quan niệm chỉ hỗ trợ con cái những thứ chúng thực sự cần thiết chứ không chuyển hết tài sản cho con từ sớm (đặc biệt là bất động sản và tiền tiết kiệm). Đó là tiền đề để tôi có thể tự chủ động cho tuổi già của mình, không cần phải lệ thuộc vào quyết định của ai.
Có nhiều người chọn bảo hiểm nhân thọ như một cách để tích lũy cho tuổi già. Nhưng tôi lại nghĩ không dễ hưởng lợi từ bảo hiểm liên quan tới sức khỏe vì nó là mua rời hàng năm, không đóng là không có gì. Chưa kể, sau 70 tuổi, bạn gần như không còn mấy quyền lợi bảo hiểm và thủ tục thanh toán cực kỳ phức tạp, bệnh bị giảm trừ thanh toán cũng rất nhiều. Phương án này chắc chắn không phù hợp với người thu nhập thấp.
Cách của tôi là cứ bình tĩnh sống, làm việc và tích lũy dần ngay từ sớm. Sau đó, tôi sẽ chờ tuổi già đến, và vui vẻ đón nhận trong khả năng của mình. Nhờ quan niệm sống như vậy mà tôi thấy rất nhẹ nhõm, ngày nào cũng trôi qua trong vui vẻ.
Tran Le Thu
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.