BS.CKI Phan Thị Thùy Dung, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn cân bằng nước do tăng thải nước tự do ở thận, gây mất nước, tăng natri máu.
Bệnh đái tháo nhạt do hai cơ chế gồm giảm tiết hormone kháng lợi niệu ADH (Anti Diuretic Hormone), còn gọi là AVP (Arginin vasopressin) gây đái tháo nhạt trung ương và giảm đáp ứng của thận với AVP dẫn đến bệnh đái tháo nhạt do thận. AVP được sản xuất ở vùng hạ đồi, sau đó vận chuyển và lưu trữ ở thùy sau tuyến yên. AVP hỗ trợ giữ nước tự do trong cơ thể thông qua cơ chế làm giảm lượng nước mất qua thận, giúp thận cô đặc nước tiểu.
Khi cơ thể thiếu AVP, thận mất khả năng cô đặc nước tiểu và tăng thải nước tự do qua thận, gây tiểu nhiều, khát nhiều. Nếu không uống đủ nước, cơ thể có tình trạng mất nước và tăng Natri máu.
Một số trường hợp AVP tiết ra đủ nhưng thận lại không đáp ứng với AVP gây đái tháo nhạt do thận.
Bác sĩ Thùy Dung cho biết tỷ lệ bệnh đái tháo nhạt khoảng một trên 25.000 người, thường gặp với người lớn nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong một số hiếm trường hợp, có thể gặp ở phụ nữ mang thai dẫn đến đái tháo nhạt thai kỳ.
Nguyên nhân
Đái tháo nhạt trung ương: Tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi do phẫu thuật (xuất hiện 1-6 ngày sau phẫu thuật và thường biến mất), khối u, chấn thương đầu (có thể hồi phục sau 6 tháng), bệnh bạch cầu, ung thư vú, viêm màng não... ảnh hưởng đến sản xuất, lưu trữ và giải phóng ADH, có thể gây ra bệnh đái tháo nhạt trung ương. Có một trên ba trường hợp không rõ nguyên nhân.
Đái tháo nhạt do thận: Bệnh xảy ra khi thận có vấn đề, không thể đáp ứng hoặc đáp ứng chậm với ADH. Nguyên nhân do bẩm sinh hoặc tác dụng của một số loại thuốc, rối loạn điện giải như tăng canxi máu, tăng canxi niệu, hạ kali máu, bệnh thận đa nang, tắc nghẽn niệu quản, hoại tử nhú thận), đa u tủy.
Triệu chứng, biến chứng
Theo bác sĩ Dung, triệu chứng chính của bệnh gồm đi tiểu nhiều, khát và uống nước nhiều. Người bệnh thường đi tiểu mỗi 15-20 phút một lần, lượng nước tiểu trên ba lít một ngày với trường hợp nhẹ, 20 lít một ngày nếu nặng.
Người bệnh thường có cảm giác khô miệng, khát nước dù vừa uống nước. Tình trạng tiểu nhiều, tiểu đêm khiến cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Cơ thể không đủ nước có thể xuất hiện dấu hiệu mất nước, tăng natri máu nặng. Người bệnh có thể sụt cân, tụt huyết áp, thay đổi tri giác, hôn mê, co giật.
Trẻ nhỏ đái tháo nhạt thường tăng trưởng chậm, thân nhiệt cao, sụt cân không giải thích. Ở trẻ lớn hơn, triệu chứng gồm đái dầm nhiều, biếng ăn, cảm giác mệt mỏi cả ngày.
Chẩn đoán
Người bệnh cần cung cấp thông tin về lượng nước tiểu mỗi ngày. Bác sĩ thực hiện xét nghiệm đánh giá ban đầu như đường máu, BUN (để đo lượng nitơ có trong ure), creatinin máu, điện giải đồ máu (Na, K, Cl, Ca), chú ý tỷ trọng khi xét nghiệm nước tiểu, đo áp lực thẩm thấu máu và nước tiểu cùng lúc.
Người bệnh được nhập viện thực hiện "Nghiệm pháp nhịn nước" giúp phân biệt đái tháo nhạt với chứng cuồng uống nguyên phát. Một vài xét nghiệm như chụp cộng hưởng từ hạ đồi - tuyến yên, đánh giá chức năng tuyến yên cũng giúp chẩn đoán bệnh.
Điều trị
Bác sĩ Thùy Dung cho biết điều trị bệnh này phải dựa trên nguyên nhân gây ra.
Đái tháo nhạt trung ương: Các trường hợp đái tháo nhạt nhẹ có triệu chứng tiểu đêm, tiểu nhiều mức độ nhẹ có thể đáp ứng chế độ ăn ít protein và ít muối, uống vừa đủ nước. Nếu có triệu chứng khó chịu do tiểu đêm, tiểu nhiều cần dùng thuốc đồng phân của AVP giúp an toàn cho thai phụ và thai nhi.
Đái tháo nhạt do thận: Ngưng các thuốc có khả năng gây bệnh hoặc điều chỉnh các rối loạn điện giải, bệnh có thể hồi phục nhanh. Đái tháo nhạt do thận được điều trị bằng cách hạn chế protein, giảm muối trong khẩu phần ăn và lợi tiểu, kháng viêm.
Nếu không điều trị bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Người có các triệu chứng bất thường cần đi khám bác sĩ Nội tiết để điều trị sớm.
Đinh Tiên
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh nội tiết - tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp.