Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Đái tháo nhạt do thận là sự suy giảm khả năng cô đặc nước tiểu khiến cơ thể không đáp ứng đúng với hormone vasopressin (ADH). Thận chịu trách nhiệm lọc máu để loại bỏ chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Thận tạo ra quá nhiều nước tiểu nhưng cơ thể không uống bù đủ nước làm mất nước nhanh, tăng natri máu, nặng hơn có thể nguy hiểm tính mạng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân đái tháo nhạt chia theo từng dạng.
Đái tháo nhạt nhạt trung ương
ADH được sản xuất bởi vùng dưới đồi của não. Hormone này được dự trữ trong thùy sau tuyến yên. Đái tháo nhạt trung ương xảy ra do tổn thương ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên, do các nguyên nhân bao gồm:
- Tổn thương vùng đồi hoặc tuyến yên do phẫu thuật.
- Tổn thương tuyến yên hoặc vùng đồi do chấn thương đầu.
- Bệnh lao.
- Tổn thương vùng đồi và tuyến yên do khối u.
Đái tháo nhạt do thận
ADH sản xuất đủ nhưng thận giảm đáp ứng một phần hoặc hoàn toàn với hormone này dẫn đến đái tháo nhạt. Bệnh xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Bẩm sinh: Người bệnh thường mắc bệnh sớm, trong những năm đầu đời do rối loạn di truyền, đột biến gene.
- Rối loạn điện giải như tăng canxi máu, hạ kali máu...
- Bệnh ống thận mô kẽ mạn tính, bệnh thận đa nang, tắc nghẽn đường tiểu, hoại tử ống thận...
- Một số bệnh lý toàn thân như bệnh hồng cầu hình liềm, đa u tủy, sarcoidosis (bệnh u hạt), amyloidosis (bệnh nhiễm bột)...
Triệu chứng
- Khát nước nhiều, uống nước nhiều.
- Đi tiểu liên tục và có thể đi tiểu đến 30 lít mỗi ngày, tiểu đêm nhiều lần gây mất ngủ.
- Khô miệng, da khô, mệt mỏi do mất nước.
- Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, thậm chí có thể lơ mơ, hôn mê do tăng natri máu.
Ngoài các triệu chứng trên, trẻ nhỏ mắc bệnh đái tháo nhạt có thể bị tiêu chảy, phát triển tâm thần, vận động kém, ăn kém, không tăng cân, sốt, cáu gắt, co giật.
Điều trị
Điều trị đái tháo nhạt do thận nhằm mục đích ngăn mất nước. Phương pháp chính là đảm bảo bù được lượng nước mất đi. Ngoài ra, còn có một số lưu ý về chế độ ăn uống cũng như thuốc trong điều trị bao gồm:
Thay đổi chế độ ăn uống như hạn chế khẩu phần ăn nhiều protein, giảm muối, tránh dùng các chất kích thích như rượu, caffeine...
Thường xuyên uống nước trong ngày, uống bất cứ khi nào cảm thấy khát, nhất là khi nóng hoặc đổ mồ hôi.
Thuốc: Bác sĩ chỉ định một số thuốc được sử dụng trong điều trị tùy vào từng thể trạng của người bệnh.
Người bệnh có dấu hiệu bất thường nghi ngờ đái tháo nhạt nên đến bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được khám và chẩn đoán tình trạng.
Lượng nước tiểu của mỗi người khác nhau và tùy vào lượng nước người bệnh uống, nhưng nếu người bệnh đi nhiều bất thường, kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường về sức khỏe.
Quỳnh Dung
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |