Ông Nguyễn Văn Hoàng (56 tuổi, TP HCM) được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu trong tình trạng đau đớn, vết thương vùng đầu lớn, chảy nhiều máu, nghi ngờ chấn thương gãy cổ vào giữa tháng 9. Người thân cho biết, ông Hoàng dùng thang nhôm leo lên sửa mái nhà nhưng không may đường điện bị rò rỉ nên khi chạm vào mái tôn, ông bị điện giật. Lúc đó, cả cơ thể và chân của ông Hoàng đều dính vào mái tôn và thang nhôm, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", ông đã cố dùng hết sức để giật tay ra khỏi mái nhà nhiễm điện và ngã từ thang cao xuống đất bất tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Xuân Anh, phụ trách đơn vị Thần kinh Cột sống của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đã trực tiếp tiếp nhận, điều trị cho ông Hoàng. Ngay lập tức, ông được các nhân viên y tế băng ép cấp cứu và chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não và cột sống cổ, khảo sát chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ... để đánh giá chính xác nhất mức độ tổn thương.
Hệ thống MRI 1.5 Tesla sử dụng công nghệ Ma trận sinh học toàn phần (BioMatrix) đã được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sử dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để thăm khám. Hệ thống này cho phép chụp cắt lớp tốc độ cao, người bệnh không cần nín thở như cách truyền thống và công nghệ chụp siêu tốc như MRI đa lát cắt, Compress Sensing, chụp tự động dựa vào AI giúp thu hình ảnh chất lượng cao trong thời gian cực ngắn.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ Trần Xuân Anh và ê kíp đã quyết định phẫu thuật để điều trị chấn thương đốt sống cổ. Người bệnh được cố định xương gãy bằng vít cột sống cổ lối sau và ghép xương để hàn xương nhằm giúp cột sống vững chãi về lâu dài. Ca mổ đã diễn ra thành công và chỉ vài tiếng hậu phẫu, ông Hoàng đã có thể tự ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng và không còn đau đớn như trước đó.
"Tôi biết chấn thương của mình rất nghiêm trọng. Tôi thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là mình sẽ bị liệt suốt đời. Nhưng thật may mắn cho tôi được đưa tới bệnh viện kịp thời và phẫu thuật thành công", ông Hoàng cho biết.
![Vài giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/02/23/Picture1-1557-1633488736-5347-1645587780.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qsitMuD99w5fJ56pSKkGUg)
Vài giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Bác sĩ Trần Xuân Anh khuyến cáo, các chấn thương xương khớp nặng xảy ra ngay trong sinh hoạt gia đình cũng khá thường gặp tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, phổ biến là chấn thương do bị té ngã từ trên cao, té ngã cầu thang, leo cây... Nạn nhân thường bị gãy xương tay chân, xương sườn..., nặng nhất là chấn thương cột sống, đặc biệt là vùng đầu cổ (gồm đốt sống cổ và sọ não). Cột sống và sọ não liên quan trực tiếp đến hệ thần kinh bao gồm não bộ và tủy sống. Do đó, các chấn thương ở dọc cột sống có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các dây thần kinh thực vật khiến người bệnh có nguy cơ bị liệt, mất khả năng vận động.
Trong cấp cứu chấn thương xương khớp, việc xử trí nhanh chóng, chuẩn xác ban đầu là rất quan trọng. Nạn nhân cần được cho nằm yên trên bề mặt phẳng, tuyệt đối không kê gối mà cần dùng gối chèn chặt hai bên đầu để hạn chế nguy cơ cột sống bị xô lệch trong quá trình di chuyển tới bệnh viện.
Bác sĩ Trần Xuân Anh khuyến cáo nên lựa chọn cấp cứu nạn nhân tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị máy móc, dụng cụ chuyên biệt và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn sâu để cấp cứu người bệnh an toàn, kịp thời. Các cơ sở y tế không chuyên sẽ không có đầy đủ phương tiện (các khung cố định phần đầu cổ chuyên dụng) có khả năng khiến tình trạng của người bệnh nặng hơn, gây đứt lìa cột sống cổ, mất vững hoàn toàn cột sống và tệ nhất là nguy cơ liệt tủy.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Anh Ngọc