Trước đó, chị Hiền, mẹ bé, siêu âm ở bệnh viện tỉnh khi thai 26 tuần phát hiện thai bị dị tật teo ruột bẩm sinh nặng, bác sĩ khuyên đình chỉ thai. "Vợ chồng tôi sốc vì trước đó khám thai đầy đủ, không có bất thường", chị Hiền nói. Nhân chuyến công tác, chị đến Hà Nội khám, bác sĩ chẩn đoán tương tự.
Chị Hiền tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Ngày 31/12, BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung, Trung tâm Sơ sinh, cho biết thai bị dị tật teo ruột bẩm sinh, dọa sinh non, nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nếu quản lý thai kỳ tốt, kết hợp phẫu thuật ngay khi bé chào đời, cơ hội cứu sống cao.
Ba bác sĩ chăm sóc thai kỳ nguy cơ cao, sơ sinh và ngoại nhi tại bệnh viện Tâm Anh phối hợp theo dõi cho thai phụ và thai nhi. Đến tuần thai 36, nước ối di chuyển chậm trong ruột, nghi xoắn ruột, bụng thai nhi phình to, ê kíp mổ khẩn cứu bé.
Bé chào đời trong tình trạng bụng chướng căng phồng, tím tái, ngưng thở. Bác sĩ Dung bóp bóng hồi sức, đặt nội khí quản cứu bé ngay tại phòng mổ.
Sau vài phút hồi sức, bệnh nhi hồng hào trở lại, có nhịp thở, được chuyển về Trung tâm Sơ sinh của bệnh viện thở máy, chăm sóc tích cực. Vì bụng bé chướng căng, bác sĩ đặt ống thông (sonde) dạ dày hút được 200 ml dịch màu xanh.
Kết quả kiểm tra trước mổ ghi nhận bé gái bị teo ruột non type 4, độ nặng nhất, teo nhiều chỗ, kéo dài.
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, teo ruột là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh, ít gặp với tỷ lệ 1/1.500 trẻ được sinh ra. Trẻ bị tắc ruột bẩm sinh nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, ruột hoại tử, dẫn đến tử vong sau sinh. Nguyên nhân thường do cấp máu đến ruột ở thai nhi không đủ, do di truyền hoặc ruột bào thai bị xoắn, vặn, chèn ép dẫn đến teo nhỏ.
Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi được hít thở và cung cấp dinh dưỡng thông qua nhau thai và dây rốn, ruột bé chưa phải làm việc nên thai nhi sống được. Khi chào đời, bụng căng chèn phổi, bé không thở được nên suy hô hấp. Lúc này, phân không đào thải qua đoạn ruột teo gây tắc ruột.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, quyết định mổ khẩn để thông suốt chỗ tắc, tránh xoắn hay hoại tử ruột, viêm phúc mạc dẫn đến nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân gây nguy hại tính mạng em bé. Toàn bộ ruột có tình trạng giãn, có đoạn giãn to và teo, đường kính chỉ bằng ống hút của hộp sữa. Sau mổ, bé hồng hào, ruột không xoắn, cấu trúc ruột bình thường.
"Nếu không can thiệp, ruột tắc, bé sẽ không ăn uống được phải lệ thuộc nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài, để lại biến chứng nặng liên quan đến dinh dưỡng, phát triển thể chất, chất lượng cuộc sống", bác sĩ Trọng nói.
Bác sĩ mở hậu môn tạm ở đoạn ruột có kích thước bình thường để đưa phân, dịch tiêu hóa, hơi ra ngoài qua thành bụng thay cho hậu môn thật. Nhờ đó, thức ăn không đi qua đoạn ruột tắc, giúp ruột nghỉ ngơi, hồi phục, giãn nở từ từ.
Sau mổ bé tiếp tục thở máy, nuôi ăn hoàn toàn qua đường truyền tĩnh mạch, hồi phục tốt. Tuy nhiên, do mở hậu môn tạm, đường tiêu hóa ngắn còn 1/3, thức ăn chưa kịp hấp thu đã thải ra ngoài. Sau ba tuần, bé chậm tăng cân, bác sĩ thực hiện cuộc mổ thứ hai để đóng hậu môn tạm, nối lại ruột, kết hợp mở lỗ thông ở hỗng tràng qua một ống nuôi ăn. Từ đây, thức ăn được bơm trực tiếp để nuôi ruột dưới phát triển.
Bác sĩ Trọng cho biết trải qua 60 ngày chiến đấu với tình trạng teo ruột nặng, song cân nặng em tăng gần bằng trẻ bình thường. Bé bú tốt, nặng 4,2 kg, xuất viện hôm 29/12, khỏe mạnh, kịp về nhà đón Tết.
Ngày 1/1, trong căn nhà nhỏ ở Vũng Tàu, gia đình chị Hiền rộn rã tiếng cười. Người thân, gia đình nội ngoại đến thăm bé vừa trở về nhà sau quãng thời gian dài chiến đấu với bệnh.
Bác sĩ Trọng lưu ý trẻ mắc dị tật teo ruột non có thể phát hiện trong thai kỳ. Trường hợp không khám thai, trẻ chào đời có triệu chứng cảnh báo như bụng to, không chịu bú, nôn trớ khi bú. Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |