"Điều cuối cùng trong tâm trí tôi là bệnh ung thư. Khối u đó có lẽ chỉ là một nang nước vô hại", Liz nói. Kết quả các sinh thiết chẩn đoán cô mắc ung thư vú giai đoạn 3.
Liz bước vào cuộc chiến giống nhiều bệnh nhân mà cô từng điều trị. Tóc rụng dần, toàn thân đau nhức, nướu răng viêm nhiễm, cô luôn cảm thấy ốm yếu. Quá trình hóa trị khiến Liz mãn kinh sớm, đổ mồ hôi ban đêm.
Đối mặt với bệnh hiểm nghèo, Liz dành thời gian tập thể dục và làm từ thiện. Cô và chồng, Dermot, mới kết hôn khi Liz được chẩn đoán mắc bệnh. Hai người dự định có con, nhưng hóa trị đã ngăn cản cô mang thai. Nữ bác sĩ lựa chọn chăm sóc động vật để trải nghiệm tình yêu thương với những sinh linh bé nhỏ khác. Cô dành vài tiếng đồng hồ mỗi sáng thứ ba để dọn dẹp các "ngôi nhà" của những chú nhím và làm thêm tổ bằng giấy báo cũ. Cô để đồ ăn khô cho mèo cũng như nước uống cho những con nhím lạc lối ngoài vườn.
Để cơ thể hồi phục sau mỗi đợt hóa trị, Liz cố gắng tập thể dục như chạy bộ, tập gym, đạp xe đi làm. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tập thể dục nên là phương pháp điều trị ung thư "thứ tư", sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị kết hợp dùng thuốc. Các hướng dẫn về ung thư mới nhất khuyến nghị mỗi bệnh nhân nên tập 5 buổi (3 bài nhịp điệu, chạy hoặc đạp xe và 2 bài tập tăng cơ) mỗi tuần.
"Tập luyện giúp giảm tác dụng phụ và biến chứng của các phương pháp điều trị, đồng thời giúp chống trầm cảm và lo lắng. Mặt khác, thể dục cải thiện sức mạnh của xương, giảm nguy cơ loãng xương - hậu quả của triệu chứng mãn kinh sớm do ung thư vú. Và thuyết phục nhất, nó có thể làm giảm 50% nguy cơ tái phát của một số bệnh ung thư", Liz nói.
Chồng của bác sĩ Liz, 56 tuổi, cũng là đồng nghiệp. Một buổi sáng, anh đề nghị cô chụp vài tấm ảnh để ghi nhớ kỷ niệm hóa trị. Ban đầu, Liz cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Nhưng rồi, cô ngẫm nghĩ và dần trở nên hứng thú.
Hai tấm ảnh chụp cách nhau 5 năm nhưng cùng một ngày. Chúng ghi lại khuôn mặt một phụ nữ, thế nhưng, mỗi tấm ảnh lại kể một câu chuyện khác nhau.
Ở tấm ảnh đầu tiên, gương mặt bác sĩ Liz chất chứa những nỗi sợ hãi. Ánh nhìn của cô mong manh với những âu lo về tương lai. Bức ảnh chụp 5 tháng sau khi Liz được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn ba.
Tấm ảnh còn lại được chụp vào tháng trước, với thần thái tươi tắn và mạnh mẽ. Cô không còn sợ hãi. Hai bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận nhiều phản hồi tích cực.
Nữ bác sĩ quyết định chia sẻ những tấm ảnh riêng tư nhằm thúc đẩy nhận biết của xã hội về ung thư, căn bệnh đang ảnh hưởng đến 2,5 triệu người Anh.
Vào ngày chụp bức ảnh đầu tiên, Liz đối mặt với sự thật mình bị mắc bệnh hiểm nghèo, ngực sẽ bị cắt bỏ và có thể không còn trên cõi đời trong 5 năm tới. Liz gần như bật khóc và quay lại để nhìn vào ống kính của nhiếp ảnh gia. Bức ảnh đã thu trọn mọi khoảnh khắc mà cô trải qua trong giây phút ấy.
Sau phẫu thuật và xạ trị, Liz phải chuyển sang sử dụng một số loại thuốc nhằm ngăn chặn hoặc ức chế estrogen tác động tiêu cực đến các tế bào ung thư vú, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát. Để loại thuốc mới có hiệu quả, Liz quyết định cắt buồng trứng để ngăn sản xuất estrogen.
Một thời gian sau, cuốn sách "Cẩm nang đối đầu với ung thư vú" được viết bởi Liz và giáo sư Trisha Greenhalgh, ĐH Oxford, cũng là bệnh nhân căn bệnh, đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong điều trị và chữa lành.
Liz phải chịu đựng nhiều hệ quả sau cuộc phẫu thuật như vết đau ở thành ngực, sẹo dưới cánh tay khiến vai cô trở nên cứng. Điều này khiến Liz phải từ giã sự nghiệp bác sĩ ở tuổi 44 vì cô không thể di chuyển cánh tay chuẩn xác, đảm bảo phẫu thuật an toàn cho bệnh nhân.
Đà Thành (Theo Daily Mail)