Những người khác tìm đến bệnh viện quá muộn, tự mình chịu đựng vì e ngại phản ứng của gia đình. Họ tự dằn vặt có phải bị thượng đế trừng phạt không, thay vì đến khám bác sĩ. Có trường hợp, một phụ nữ đến chữa bệnh ung thư khi vú của cô đã bị hoại tử. Cô qua đời không lâu sau đó.
Những ngày tháng đen tối
Pravina Patel, một bệnh nhân ung thư vú người Ấn Độ, gần đây chia sẻ với truyền thông Anh về trải nghiệm của mình. Năm 36 tuổi, cô tình cờ phát hiện khối u ở vùng ngực. Lớn lên giữa một cộng đồng nghiêm khắc và nhiều định kiến, nơi mà ngay cả nói ra căn bệnh cũng bị coi là đáng xấu hổ, cô quyết định giấu kín tình trạng của mình.
"Tôi chỉ nghĩ nếu mọi người nghe được sự thật rằng tôi bị ung thư, họ sẽ coi đó là bản án tử hình", cô chia sẻ.
Tại Ấn Độ và các quốc gia châu Á, nhiều người vẫn coi ung thư là "quả báo", sự trừng phạt đối với bệnh nhân. Patel cho rằng nếu nói ra tình trạng sức khỏe, bạn bè, người thân quen sẽ nghĩ cô đã "sống một cuộc đời tồi tệ".
Cô tiếp tục giữ bí mật về căn bệnh trong suốt liệu trình, quyết định này khiến cho cuộc chiến với ung thư thêm phần đơn độc.
"Tôi một mình vật vã với các buổi hóa trị. Có những ngày, mọi thứ cực kỳ đen tối", cô kể lại.
Theo tiến sĩ Pooja Saini, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm CLAHRC North-West Coast, trực thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), phụ nữ sợ ung thư trở thành lý do họ không thể kết hôn, bởi lo di truyền sang con cái. Những phát hiện mới khiến bà ngạc nhiên vì độ nghiêm trọng của vấn đề.
"Một số phụ nữ thậm chí không đi khám vì nếu điều trị, họ sẽ rụng tóc, để lộ tình trạng sức khỏe của mình", bà giải thích.
Rất khó để biết được tâm lý đó đã ăn sâu đến mức nào, vì có rất ít công trình phân tích về tỷ lệ tử vong giữa các nhóm dân tộc.
Nghiên cứu hiếm hoi của NHS cho thấy phụ nữ châu Á, tuổi từ 15 đến 64, có tỷ lệ sống sót sau ba năm mắc ung thư vú thấp đáng kể. Các nhà khoa học chỉ ra rằng tầm ảnh hưởng của người đàn ông và người cao tuổi trong gia đình có thể góp phần gây ra vấn đề này.
Áp lực văn hóa
Sự kỳ thị xung quanh bệnh ung thư trong cộng đồng Nam Á trải dài ở nhiều dạng khác nhau.
Patel cho biết phụ nữ ngại đi xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung vì không muốn "bị làm ô uế" hay bị xem như "không còn trong trắng". Bản thân cô hoàn thành đợt hóa trị, tình trạng cũng thuyên giảm. Song Patel và chồng đã ly dị trong thời gian chữa bệnh, phần vì những áp lực văn hóa về một người phụ nữ của gia đình lý tưởng đè nặng lên vai.
Một số bệnh nhân tìm kiếm sự hỗ trợ y tế quá muộn. Các chuyên gia lo ngại họ đang phải chịu đựng một cách không cần thiết. Phụ nữ Nam Á thường có hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn, mức độ nhận thức đối với bệnh ung thư chưa cao.
Nabila Farooq, cán bộ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Đông Nam Á tại Manchester, kể lại nhiều trường hợp nhất quyết không nói với chồng mình mắc ung thư vú. Lý do đôi khi nằm ở niềm tin tâm linh, rằng ung thư là thử thách từ "ông trời".
"Một số phụ nữ cho rằng họ sẽ không bị ung thư vú nếu chung thủy với chồng. Đối với chuyên gia y tế, điều này thật nực cười. Nhưng tư tưởng đó đã ăn sâu vào tâm lý, ảnh hưởng đến thói quen sàng lọc định kỳ của họ", tiến sĩ Cannas Kwok, giảng viên cao cấp kiêm phó giám đốc nghiên cứu tại Trường Y tá và Hộ sinh, Đại học Western Sydney, cho biết.
Số khác coi ung thư đơn giản là vận rủi, hoặc quả báo người bệnh phải đón nhận. Vì những tín ngưỡng văn hóa và điều cấm kỵ vô lý gắn liền với căn bệnh, hầu hết người châu Á giữ bí mật về sức khỏe của mình. Họ lo lắng sẽ bị tẩy chay, xa lánh nếu để người khác biết sự thật.
Tỷ lệ tử vong cao vô lý
Số liệu thống kê cho thấy người châu Á, cộng đồng thiểu số không tầm soát ung thư thường xuyên như người da trắng. Madhu Agarwal, chuyên gia quản lý, hỗ trợ bệnh nhân, lo ngại điều này khiến tỷ lệ tử vong ở phụ nữ trong khu vực cao một cách không đáng có.
"Do thiếu hiểu biết, không đi khám sớm nên khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ, khối u đã lây lan và rất khó chữa trị. Tỷ lệ tử vong cao lại dẫn tới định kiến khác, rằng khi mắc bệnh ung thư, bạn chắc chắn sẽ chết", bà nói.
Agarwal kể lại trường hợp một bệnh nhân điều trị muộn đến nỗi, vú của cô đã bị nấm và trở nên hôi thối.
"Nó bốc mùi đến mức bạn thậm chí không thể ngồi cạnh cô ấy", bà chia sẻ.
Bệnh nhân sau đó đã qua đời vì khối u lan sang các bộ phận khác trong cơ thể.
Tiến sĩ Pooja Saini đang kêu gọi giới chức y tế thu thập nhiều dữ liệu hơn về thói quen sàng lọc, tầm soát ung thư theo nhóm dân tộc. Các thông tin này có thể được sử dụng để cung cấp hỗ trợ phụ hợp đối với từng cộng đồng.
Thục Linh (Theo BBC, SCMP)