Annie, kinh doanh chứng khoán tại ngân hàng đầu tư, tình cờ phát hiện cục bướu ở bầu ngực trong lúc tắm, vào giữa năm 2015. Bác sĩ cho cô chụp, siêu âm và sinh thiết. Vẫn tin chắc mình không vấn đề gì bởi tiền sử và gia đình khỏe mạnh, Annie đi lấy kết quả vào hôm sau.
"Cô đến đây... một mình sao?", câu hỏi bất ngờ của bác sĩ khiến Annie đông cứng lại vì dự cảm chẳng lành. Cô gọi chồng, cũng là một nhân viên tài chính, tới bệnh viện ngay lập tức. Bác sĩ cho hay cô bị ung thư vú ở giai đoạn hai.
Annie khi đó mới thú nhận mình đã làm việc quá sức, có lúc rời văn phòng vào 11h đêm. Cô lười tập thể dục, món ăn khoái khẩu là chocolate, đồ ăn nhanh như hamburger và khoai tây chiên.
"Khi căng thẳng, bạn sẽ thèm ăn một thứ gì đó có hại cho cơ thể", Annie nói.
Giới trẻ không nhận ra rằng thiếu hoạt động thể chất, luôn căng thẳng, ăn uống không đủ chất là những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Annie cũng không biết rằng việc có mô vú đặc - tình trạng khá phổ biến hơn ở phụ nữ châu Á - sẽ khiến cô có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
"Khi bạn còn trẻ, bạn sẽ không nghĩ mình mắc ung thư, nhưng bây giờ tôi biết dù trẻ đến đâu, bạn cũng có nguy cơ mắc", cô nói.
Nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh này cùng các nguy cơ, Annie sẽ tham gia Ngày mặc đồ hồng của Quỹ Ung thư Hong Kong vào ngày 23/10. Đây là một trong chuỗi các sự kiện dự kiến cho chiến dịch Cách mạng Hồng hàng năm từ tổ chức từ thiện cho tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú quốc tế.
Annie cũng sẽ kêu gọi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp tham gia bởi nâng cao nhận thức về ung thư vú sẽ cứu nhiều người hơn.
Bác sĩ Yvonne Tsang Yee Yan, một chuyên gia ngoại tổng hợp ở Hong Kong, cho biết những trường hợp giống như Annie rất phổ biến. Ung thư do di truyền chỉ chiếm 10%- 15%, trong tổng các ca. Bác sĩ cho rằng các yếu tố như lười vận động, đầu óc căng thẳng và hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tsang cho biết: "Có nhiều nghiên cứu cho thấy mô vú đặc có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn, tuy nhiên nguyên nhân chưa sáng rõ ".
Vú gồm nhiều thành phần tạo thành, trong đó có mô đặc và mô mỡ (hay mô không đặc). Mô vú đặc được phát hiện qua hình ảnh chụp X-quang, phần mô đặc nhiều hơn mô mỡ.
9 tháng sau, Annie trải qua hóa trị, phẫu thuật và xạ trị. Trong quá trình hồi phục, Quỹ Ung thư Hong Kong (HKCF) đã hỗ trợ rất nhiều, cô sử dụng các dịch vụ miễn phí và trong đó có chương trình "You can". Chương trình được ra đời từ năm 2011, dành cho những bệnh nhân ung thư từ 18- 39 tuổi. Kannie Lam Chui-Yin, nhân viên trợ lý dịch vụ của HKCF cho biết, "You can" cung cấp các dịch vụ giải quyết những thách thức mà bệnh nhân trẻ phải đối mặt, ví dụ như trách nhiệm với gia đình và công việc, quan tâm đến hình ảnh bản thân, quan hệ thân mật với chồng/ bạn trai.
Số người tham gia chương trình ngày càng tăng, hơn 1.000 người tham gia vào năm 2019, tăng 23% so với năm trước đó. Lam cho biết ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh ung thư ở Hong Kong, tuy nhiên không có nhiều dịch vụ hỗ trợ nhóm tuổi này.
Trong đó, ung thư vú là bệnh phổ biến ở phụ nữ Hong Kong. Cơ quan Ghi nhận Ung thư Hong Kong báo cáo hơn 4.000 ca ung thư vú xâm lấn năm 2017, tăng 6,5% so với năm trước đó. Độ tuổi trung bình mắc ung thư vú là 57.
Annie bắt đầu đi bộ, tập Pilates, chơi golf, học nhảy và nhiều hoạt động từ dịch vụ hỗ trợ. Trong quá trình tập, có người hỗ trợ và theo dõi. Nhảy sexy là hình thức tập luyện Annie yêu thích nhất. Nhiều động tác xoay hông, cùng ghế là trợ cụ, Annie cảm nhận sự nữ tính và tự tin với cơ thể khi nhảy.
Công ty của Annie cũng tạo điều kiện trong thời gian cô gặp khủng hoảng. Cô có thể trở lại công việc của mình sau 9 tháng nghỉ việc không lương để điều trị. Những tháng đầu tiên quay lại làm việc, cô phải chiến đấu với mệt mỏi. Vì vậy, sếp đã rút ngắn ngày làm việc của Annie để cô thích ứng dần.
Bước qua cú sốc nguy hiểm đến tính mạng, Annie đã thay đổi lối sống. Cô tập thể dục 3 lần mỗi tuần, rèn luyện thể lực giúp chống lại căng thẳng. Năm ngoái, cô tập môn muay Thái Lan hàng tuần, đồng thời bắt đầu tập yoga. Cô cũng thường xuyên cùng chồng chạy bộ quanh khu phố ở Pok Fu Lam.
Annie quan tâm sức khỏe và cân bằng công việc trong cuộc sống. "Đừng đánh đổi sức khỏe của mình để lấy của cải, bạn sẽ mất", cô nói.
Phát hiện ung thư sớm giúp cơ hội chữa khỏi cao. Tsang cho biết Tổ chức Ung thư Vú Hong Kong ghi nhận tỉ lệ sống 5 năm là 97,5% đối với người ung thư giai đoạn một, con số rút ra từ nghiên cứu Cơ quan Đăng ký Ung thư Hong Kong và Đại học Hong Kong.
Tsang khuyên rằng "ở mọi lứa tuổi, phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng, trong vòng một tuần sau kỳ kinh nguyệt". Những phụ nữ trẻ có triệu chứng nên siêu âm và tìm gặp bác sĩ, người sẽ đưa ra quyết định làm thêm chụp X- quang tuyến vú hoặc không.
Theo Quỹ Ung thư Hong Kong, có 5 dấu hiệu ung thư vú mà mọi phụ nữ nên theo dõi. Đầu tiên là sự xuất hiện u cục ở vú. Tiếp đó là cùng da ở ngực sần, kích ứng. Tức hoặc đau ở ngực và dưới cánh tay. Thay đổi hình dạng và kích thước vú. Cuối cùng là có dịch tiết, đầu núm vú ngứa hoặc thay đổi hình dạng núm.
Nguyễn Ngọc (Theo SCMP)