Quán cắt tóc nằm cạnh bệnh viện, nơi chị Nguyễn Thị Lan, 53 tuổi, đang điều trị ung thư vú. Thấy chị có vẻ e dè, người thợ cắt tóc an ủi: "Người nào ung thư đến đây cũng tâm trạng như chị đấy, nhưng cũng phải cạo. Thôi, chị cạo đi, vài tháng sau lại mọc đều đẹp ngay ấy mà".
Chồng chị đứng bên, đặt tay lên vai vợ. Qua hai đợt hóa trị, tóc chị Lan đã rụng gần hết. Hàng ngày nhìn mớ tóc rụng dần dần, trong chị dâng lên "một cảm giác não nề vô cùng". Vậy nên chị quyết định cạo trọc, để "thà đau một lần còn hơn là nhìn thấy tóc cứ ngày một rụng dần".
Thao tác của người thợ nhanh gọn, chị Lan nhìn theo từng sợi tóc rơi xuống đất. Vài phút sau, chị ngắm mình trong gương với chiếc đầu trọc, liên tục sờ tay lên đầu, rồi lại nhìn xuống mớ tóc vừa cạo.
"Lúc đó tôi cảm giác như không nhận ra mình nữa", chị kể lại sau đợt hóa trị thứ hai, vào tháng 6. "Khi biết tin mình bị ung thư vú, tôi buồn. Phải cắt đi một bên ngực của mình, tôi cũng buồn. Thế nhưng khi cắt hết tóc đi, tự nhiên thấy hụt hẫng khó tả".
Từ Hà Nội trở về quê nhà Hải Phòng, con gái 12 tuổi thấy mẹ đội mũ, hỏi: "Sao mẹ đội mũ lạ thế? Mẹ bỏ mũ ra cho con xem". Nhìn mẹ với mái đầu trọc, đứa bé giật mình: "Tóc đâu rồi hả mẹ?".
Chị Lan ôm con vào lòng. Con bé đưa tay lên xoa đầu mẹ. "Tóc rụng là sắp chết đúng không mẹ?". Chị Lan trấn an: "Không, mẹ không giống những người khác. Mấy tháng nữa là tóc mẹ mọc ra thôi, con đừng lo".
Căn phòng ngủ của chị đêm đó sáng đèn đến tận khuya. Chị mở điện thoại ra ngắm nghía hình ảnh mình lúc còn tóc, rồi soi gương nhiều lần, nghĩ bụng nhất định sẽ mua một bộ tóc giả giống tóc thật để đội.
Chị Lan phát hiện ung thư vú vào tháng 4 năm nay, không có triệu chứng gì. "Hôm đó tự nhiên sờ lên ngực thấy cục ngay phía bên trên ngực trái, có nghĩ đến khả năng bị ung thư vú nên đi khám, thì bất ngờ đúng là như vậy", chị kể.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh sang giai đoạn 2, có một hạch bị di căn, phải truyền hóa chất. Từ đầu tháng 5, chị cứ mỗi 21 ngày lại lên Hà Nội truyền thuốc.
Chị bộc bạch, trước đây, nhìn các bệnh nhân ung thư phải cạo trọc đầu, chưa một lần chị nghĩ sẽ có một ngày sẽ như họ. Cứ 6 tháng một lần chị đi khám sức khỏe định kỳ nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Vì vậy, khi phát hiện ung thư vú, chị sốc. "Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là hình ảnh những bệnh nhân ung thư phải cạo trọc đầu, tương lai tôi cũng sẽ giống như vậy", chị nói.
Chị Lan kể, tóc chị vốn uốn xoăn, dài ngang vai, nhuộm nâu, vừa đi dưỡng chưa đầy một tháng nên rất óng mượt. Sau đợt hóa chất đầu tiên, tóc bắt đầu rụng. Đến lần hóa trị thứ hai, tóc chị rụng nhiều hơn. Nằm một mình trên giường, chị thường lấy tay vuốt nhẹ lên đầu. "Từng cụm tóc lại rụng ra khiến lòng tôi xót xa vô cùng", chị nói.
Những ngày đầu sau khi cắt hết tóc, chị trùm khăn lên đầu kín mít. Đi qua cửa hàng làm tóc trước đây vẫn hay gội đầu, đông đúc khách, chị hay ngước nhìn một hồi, rồi lặng lẽ đi qua. Vốn bản tính thích làm đẹp, chị từng mua nhiều sản phẩm dưỡng tóc, nay cất tất cả vào một góc riêng.
"Thế nhưng, có những thói quen mà đôi khi thành bản năng", chị kể. "Nhiều những buổi sáng tỉnh dậy, quen tay tìm cái lược chải đầu để ngắm nghía ra đường, khi đưa lược lên đầu mới nhận ra làm gì còn tóc mà chải nữa".
Chị Lan quyết định mua một bộ tóc giả giống y hệt tóc thật của mình, sử dụng khi đi ra ngoài gặp gỡ mọi người. Người thân biết chị mắc ung thư vú phải cạo trọc, thỉnh thoảng lại bảo cho xem đầu trọc, chị Lan đều vui vẻ cho xem.
Trước đây, con gái hay hỏi mẹ: "Mẹ ơi tóc mẹ mọc lại chưa?". Sau dần cháu hiểu ra. Đến nay, được gần 5 tháng truyền hóa trị, bé hay chạy vào phòng hỏi mẹ: "Mẹ ơi, ăn gì để tóc mẹ mọc được nhanh?". Chị Lan chỉ trả lời."Con ngoan, học giỏi thì tóc mẹ sẽ mau mọc nhanh trở lại". Như một phép nhiệm màu, từ lúc chị Lan ốm, bé gái chăm chỉ hơn, đạt điểm cao hơn trước.
Chị không còn tiếc mái tóc của mình như trước đây. "Tôi vui vì nhờ mái đầu trọc, con ngoan và chăm học hơn. Thôi thì... hỏng cái gì sửa cái đấy. Tóc cắt rồi có thể mọc lại, có sao đâu", người phụ nữ nhoẻn cười và nói.