Cứng khớp là tình trạng khó cử động các khớp, thường xuất hiện ở các đốt ngón tay, gần cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân... Ban đầu, khớp bị cứng ở mức độ nhẹ, ít ảnh hưởng đến chức năng vận động. Theo thời gian, tình trạng nghiêm trọng, người bệnh không thể cử động ở vùng chi bị ảnh hưởng.
Cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc duy trì một tư thế, bất động trong một khoảng thời gian, thường xuất hiện cùng đau khớp.
PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mất khả năng vận động: Khớp bị co cứng thường xuất hiện ở các vùng khớp cử động nhiều, làm cho người bệnh không thể cử động linh hoạt. Ví dụ, cứng khớp ở tay ảnh hưởng tới khả năng cầm nắm, mang vác; cứng ở chân gây khó đi lại.
Teo cơ khớp, biến dạng và tàn phế: Cứng khớp kéo dài, không cử động lâu ngày sẽ hạn chế lưu thông máu, dẫn tới teo cơ, biến dạng và dính khớp, tăng cao nguy cơ tàn phế.
Các bệnh tim mạch: Cứng khớp tiến triển có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng gây tổn thương tim. Trong đó, biến chứng hở van tim thường xuất hiện khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn. Ở người bệnh cao tuổi, các biến chứng về tim có thể dẫn đến tử vong, rất khó phòng tránh.

Cứng khớp khiến người bệnh khó cầm nắm. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Hồng Hoa khuyến cáo người bệnh nên đi khám sớm nếu cứng khớp kéo dài hơn 30 phút sau khi thức dậy, hoặc đau liên tục, ngay cả lúc nghỉ ngơi, hạn chế khả năng vận động ở vùng đau. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa khớp, gout, viêm bao hoạt dịch, ung thư xương.
Để điều trị cứng khớp, cần xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Tùy từng tình trạng cụ thể, người bệnh được chỉ định các phương pháp khác nhau như chườm nóng, dùng chống viêm steroid giảm đau, vật lý trị liệu...
Tập thể dục và vật lý trị liệu giúp tăng khả năng vận động của khớp, tăng sự linh hoạt cho sụn khớp và độ đàn hồi cho dây chằng, giảm độ cứng của khớp. Đây cũng là phương pháp hiệu quả để giảm cân hoặc duy trì cân nặng hợp lý.

Bác sĩ Hồng Hoa tư vấn về sức khỏe xương khớp cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng cân quá mức tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc một số bệnh gây đau và cứng khớp. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện để tránh bệnh nặng hơn.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh nhiều lần trong ngày, mỗi lần 15-20 phút. Chườm lạnh giảm sưng viêm, làm cho khớp dễ vận động, giảm đau nhanh chóng. Chườm nóng giúp thư giãn cơ bắp và tăng cường tuần hoàn máu.
Nên xây dựng thực đơn đa dạng, cân bằng, giảm lượng chất béo bão hòa, tăng omega-3, bổ sung vitamin D và E... Ăn đa dạng thịt, cá, trứng, sữa, rau quả, ngũ cốc, các loại hạt...; hạn chế thịt đỏ hoặc hải sản. Uống đủ nước mỗi ngày vì thiếu nước làm giảm lượng dịch khớp, gây khô cứng khớp, dẫn đến đau nhức.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |