Bà Ngọ, ngụ Bến Tre, ngã gãy cổ xương đùi, phẫu thuật thay khớp háng tại một bệnh viện ở TP HCM. Một ngày sau, tình trạng bà chuyển biến nặng, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu.
Bà có bệnh nền tăng huyết áp, mỡ máu, nhồi máu cơ tim, suy tim, hội chứng cushing (bệnh lý nội tiết). Kết quả chụp X-quang ghi nhận bà còn bị thuyên tắc phổi nhánh nhỏ, viêm phổi, suy tim. Ngày 2/7, ThS.BS.CKII Nguyễn Hoàng Tuấn Vũ, Phó Khoa Nội tổng hợp, cho biết các yếu tố này cộng với điều kiện chăm sóc và theo dõi hậu phẫu chưa đảm bảo gây nhiễm trùng sau mổ, biến chứng.
Các bác sĩ hội chẩn, chỉ định phác đồ điều trị thuyên tắc phổi, suy tim, sử dụng thuốc kháng đông và chữa viêm phổi nhiễm trùng cho bà. Bệnh nhân được điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu để nhanh hồi phục. Sau 7 ngày, bà đi đứng được và tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng đáp ứng tốt, dự kiến sớm xuất viện.
Bác sĩ Tuấn Vũ cho biết hiệu quả thay khớp háng cần đảm bảo cả vấn đề hậu phẫu, người bệnh phải được theo dõi, chăm sóc và phục hồi chức năng tốt. Ở người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, sau phẫu thuật khớp háng thường có nguy cơ biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, thuyên tắc phổi, suy hô hấp, nhồi máu cơ tim.
"Điều quan trọng là bệnh nhân phải ngồi dậy và đi được, tích cực tập phục hồi chức năng, dinh dưỡng tốt", bác Vũ nói. Nếu người bệnh điều trị hết các bệnh nền và bệnh phát sinh nhưng không đi lại được thì tình trạng nhiễm trùng không cải thiện.
Người bệnh thay khớp háng cần được điều trị liên chuyên khoa. Quá trình hồi phục, xử lý các bất thường xảy ra (nếu có) rất quan trọng. Các máy móc hiện đại giúp theo dõi những vấn đề biến chứng sau mổ hiệu quả. Sau đó, bệnh nhân được điều trị nội khoa, dinh dưỡng, phối hợp với theo dõi vết mổ, phục hồi chức năng, hướng dẫn phòng chống té ngã, giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công, hạn chế thấp nhất nguy cơ biến chứng hậu phẫu.
An Yên
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |