Suốt 6 năm qua, bà Hoàng Linh (65 tuổi, Tây Ninh) bị cơn đau khớp gối đeo bám khi di chuyển, đứng lên ngồi xuống. Mỗi khi lên xuống cầu thang, bà không thể đi như bình thường mà phải đi nghiêng hoặc đi lùi, lên xuống từng bậc. Bà đã dùng nhiều loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm. Lo bản thân bị tiểu đường có thể đối diện biến chứng nhiễm trùng, dáng đi cứng như robot, rồi cơn đau có thể tái diễn... nên bà tiếp tục "cắn răng chịu đựng", không dám thay khớp gối.
Mãi đến hồi tháng một, nghe theo lời động viên của chồng con, bà đến khám tại trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM và được ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học tư vấn về quy trình phẫu thuật. Trước cuộc mổ thay khớp gối một tháng, bà Linh được điều trị ổn định đường huyết theo phác đồ của bác sĩ Nội tiết.
Theo bác sĩ Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh là một trong số ít các đơn vị y tế thực hiện phương pháp thay khớp gối động học, kết hợp cùng kỹ thuật tạo hình khớp gối có thiết kế trục xoay bên trong cho người bệnh. Hai ngày sau cuộc mổ, bà Linh đã đứng dậy tập đi với nạng kết hợp tập vật lý trị liệu. Một tuần sau, bà đã bỏ dùng nạng. Hai tháng sau, người bệnh hồi phục hoàn toàn, không còn cảm giác đau, đi lại bình thường.
Khác với bà Linh, sau một tai nạn té ngã trong nhà, bà Nguyễn Kim Sanh (81 tuổi, An Giang) không còn khả năng đi lại. Trước đó 4 ngày, do sàn nhà trơn, bà bị trượt té. Vì thấy bà vẫn còn đi lại được, ít đau đớn nên gia đình không đưa đi khám ngay. Hai ngày sau, bà lại bị ngã trong nhà vệ sinh. Lần này, bà đau đớn gấp bội, nhất là vùng hông trái, không thể đi lại nên được người nhà đưa đến Phòng khám Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ nhận thấy người bệnh bị gãy kín cổ xương đùi trái. Người bệnh lại bị loãng xương, mật độ xương kém, thêm tình trạng gãy nên cổ xương đùi sẽ di lệch nhiều. Nếu nắn lại phần xương gãy thì sau đó chỏm xương đùi vẫn sẽ hoại tử, do không còn được cấp máu nuôi dưỡng.
Các bác sĩ đã quyết định áp dụng kỹ thuật SuperPath, công nghệ thay khớp háng mới nhất, cho bà để người bệnh lớn tuổi có thể đi lại nhanh sau đó và giảm thiểu biến chứng. Sau mổ một ngày, bà được hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Sang ngày thứ hai, bà đã bắt đầu tập đi lại tự do với khung, không có bất cứ giới hạn vận động nào.
Chị Thu Anh, con gái bà Sanh chia sẻ: "Đến nay, mẹ tôi xuất viện đã được gần 20 ngày. Sức khỏe ổn định. Chúng tôi thật sự không dám tin là mẹ có thể tập đi từ ngày thứ hai sau mổ và nay đã thoải mái di chuyển mà không cần bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào cả".
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Chủ tịch Hội Nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết, thay khớp háng SuperPath, Anterior Path và thay khớp gối động họclà một bước tiến vượt trội trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Những công nghệ này giúp người bệnh tìm lại "thanh xuân" cho những khớp đã già nua, mài mòn theo thời gian hay do nguyên nhân chấn thương; tai nạn sinh hoạt, lao động; bệnh lý... gây ảnh hưởng đến khớp. Qua đó, cải thiện tình trạng biến dạng chi, chấm dứt những cơn đau khớp ám ảnh, phục hồi chức năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng xã hội.
Khác với phương pháp thay khớp háng truyền thống, ở kỹ thuật SuperPath hay Anterior Path, bác sĩ sẽ tiến hành bộc lộ phẫu trường và thay khớp háng mà vẫn bảo tồn được nhóm cơ xoay ngoài bao quanh khớp háng (vốn chịu trách nhiệm giữ cho khớp háng vững chắc, không bị trật khớp trong quá trình vận động). Người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng một ngày sau mổ. Khi vết thương lành, người bệnh có thể thực hiện được các động tác mà phương pháp truyền thống không thể thực hiện như vắt chân chữ ngũ, ngồi xổm...
Còn với kỹ thuật thay khớp gối, trước kia người bệnh hay gặp phải tình trạng thay đổi trục chi dưới sau thay khớp, cảm thấy đau và không tự nhiên khi ngồi xuống, đứng lên, đi cầu thang, thậm chí bước đi như robot. Tuy nhiên, kỹ thuật thay khớp gối động học hiện nay đã khắc phục hoàn toàn những nhược điểm này. Khớp gối sau tái tạo sẽ trở lại gần giống khớp gối tự nhiên khi còn trẻ.
Cùng với đó là kỹ thuật tạo hình khớp gối hiện đại (tái tạo kích thước, giải phẫu và cơ sinh học gần giống như khớp gối tự nhiên của con người) và ứng dụng công nghệ thực tế ảo Mắt thần Navigation Knee+, giúp cho phẫu thuật đạt độ chính xác cao hơn, rút ngắn thời gian ca mổ; hạn chế các biến chứng và nguy cơ hậu phẫu (như nhiễm trùng, lệch trục, vẹo gối, lệch hai chi...) giúp người bệnh có thể đi lại, tham gia các hoạt động như đạp xe, bơi lội, leo núi... như trước.
Đặc biệt, để thực hiện một ca thay khớp gối không chỉ có bác sĩ Chấn thương chỉnh hình mà còn có sự kết hợp đa khoa giữa các bác sĩ Nội tiết, Tim mạch, Gây mê hồi sức, Phục hồi chức năng... Do đó, người có vấn đề về khớp, mắc thêm bệnh nền hoàn toàn có thể thực hiện việc thay khớp.
"Tuy nhiên, để có được hiệu quả rõ rệt này, người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại để thực hiện thay khớp. Điều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ xuất hiện biến chứng và nhanh chóng lấy lại khả năng vận động khớp", TS.BS Tăng Hà Nam Anh lưu ý thêm.
Những thắc mắc của độc giả liên quan đến khớp háng, khớp gối sẽ được giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến "Công nghệ mới nhất thay khớp háng - khớp gối", diễn ra vào lúc 20h ngày 23/02 với sự tham gia của TS.BS Tăng Hà Nam Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa và ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp. |
Chang Chang