Chị Hương cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Hai ngày trước khi nhập viện, chị có các triệu chứng trên, bác sĩ tại một bệnh viện chẩn đoán chị viêm phổi và kê kháng sinh uống nhưng vẫn sốt cao.
Ngày 29/9, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp, cho biết người bệnh viêm thùy trên phổi phải kèm theo hội chứng tăng thông khí. Đây là hội chứng khiến người bệnh thở nhanh, thở ra nhiều hơn hít vào, gây thiếu hụt CO2 dẫn đến khó thở, chóng mặt, co quắp tay chân.

Viêm phổi trước và sau điều trị của bệnh nhân trên phim chụp cắt lớp vi tính. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chị được điều trị với phác đồ kháng sinh, thuốc long đờm kết hợp tập phục hồi chức năng hô hấp. Sau 5 ngày, chị hết sốt, đau ngực, huyết động ổn định nên được xuất viện. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sau một tháng cho thấy viêm phổi lành hoàn toàn. Bác sĩ dặn bệnh nhân giữ ấm khi trời lạnh, không ăn uống đồ lạnh, tiêm phòng vaccine cúm và phế cầu để tăng sức đề kháng.
Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, viêm phổi gây kích thích màng phổi, dẫn đến khó thở, thở nhanh, kèm theo tâm lý lo lắng của dễ dẫn đến tăng thông khí. Biểu hiện gồm nhức đầu nhẹ, nặng thì lú lẫn, tê ngứa đầu ngón tay chân, chuột rút và ngất, nguy hiểm nếu người bệnh không có người chăm sóc. Tỷ lệ người bệnh bị tăng thông khí khi mắc viêm phổi không thường gặp, có thể dễ bị bỏ qua, khó khăn cho bác sĩ khi chẩn đoán.

Phó giáo sư Hạnh khám cho một người bệnh viêm phổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Gần đây, số ca viêm phổi tại bệnh viện Tâm Anh Hà Nội có xu hướng tăng do giao mùa hè - thu, thời tiết thay đổi, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, thói quen sử dụng quạt, điều hòa sai cách. Nhiều trường hợp lây lan viêm phổi trong gia đình.
Phó Giáo sư Hạnh khuyến cáo gia đình giữ vệ sinh môi trường sống để hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn gây bệnh. Nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hô hấp trong gia đình. Nên mặc ấm khi đi ngoài trời lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực; tập thể dục nâng cao sức đề kháng, chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, vệ sinh răng miệng. Các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng lợi, tai, mũi, họng cần điều trị triệt để nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.
Viêm phổi nếu không kiểm soát kịp thời có thể biến chứng thành áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng máu, suy hô hấp cấp tiến triển... gây tử vong. Người có các triệu chứng sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ho, khó thở cần đi khám bác sĩ ngay.
Hoài Phạm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |