Trả lời:
Khi mang thai, tuyến vú của phụ nữ phát triển, sản xuất ra loại sữa đầu tiên gọi là sữa non. Sữa non là chất lỏng đặc, dễ kết dính, màu vàng, có thể tiết ra từ tuần 16 thai kỳ đến vài ngày sau khi sinh.
Sữa non có nhiều kháng thể, chất bảo vệ khác hỗ trợ khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh. Người mẹ chỉ sản sinh ra một lượng nhỏ sữa non nhưng lại chứa rất nhiều năng lượng, protein, chất béo. Trẻ sơ sinh cũng tiêu hóa sữa non dễ dàng.
Sữa non quý, cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ nhưng vắt, trữ trước khi sinh không cần thiết, có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Vắt sữa non khi mang thai kích thích đầu nhũ hoa, làm tăng tiết oxytocin nội sinh, có nguy cơ gây sinh non. Những thai phụ có nhau tiền đạo có cơn gò tử cung dễ bị xuất huyết âm đạo ồ ạt. Sữa vắt ra bảo quản lâu trong tủ lạnh không đảm bảo chất lượng, nguy cơ nhiễm khuẩn. Trẻ bú có thể tiêu chảy, viêm ruột. Do đó, bác sĩ không khuyến khích vắt, trữ sữa non trước sinh.
Trong một số trường hợp sau sinh không thể cho trẻ bú mẹ trực tiếp thì việc vắt sữa non có thể được phép sử dụng. Sau vắt, cần bảo quản sữa đúng cách, đặt sữa trong tủ đông riêng biệt để tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo. Bạn nên trao đổi với bác sĩ, bệnh viện để xin phép sử dụng sữa non. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mẹ, bé và quy định của bệnh viện, bác sĩ khuyến cáo mẹ có nên sử dụng sữa non hay không.
Hiện nhiều phụ nữ vắt sữa non để có sữa cho bé bú sau sinh vì lo sợ lúc sinh xong không có sữa, không thể nuôi con bằng sữa mẹ là quan niệm không đúng. Sau sinh nếu sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, bổ sung dinh dưỡng tốt, tập cho bé bú đúng cách giúp kích thích sữa về sớm.
Sau sinh phần lớn bé được da kề da với mẹ. Các điều dưỡng hỗ trợ đặt bé lên ngực mẹ, để bé tự tìm ngực mẹ và bú, kích thích sản xuất sữa. Trường hợp bé không ngậm vú đúng cách, điều dưỡng hỗ trợ can thiệp.
BS.CKI Nguyễn Huy Cường
Trung tâm Sản Phụ khoa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |