Trường hợp này gọi là "chuyển viện trong tử cung", tức là chuyển thai nhi còn trong tử cung (in utero transfer) có nguy cơ sinh non dưới 32 tuần đến bệnh viện có khoa Sản và Sơ sinh để hồi sức, nuôi sống trẻ sinh cực non", BS.CKII Lê Thanh Hùng, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích hôm 1/10, thêm rằng một ngày giữ được thai trong bụng mẹ giúp tăng thêm 2-3% cơ hội sống cho bé khi sinh.
Giải pháp này được áp dụng từ lâu ở nhiều nước Bắc Âu, Mỹ, Australia... nhằm giảm nguy cơ trẻ sinh rất non tử vong. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai dịch vụ này từ khi thành lập, 9 tháng qua tiếp nhận hơn 50 ca "chuyển viện trong tử cung" đối với thai phụ trong nước. Chị Seang là trường hợp đầu tiên chuyển từ nước ngoài về.
Đây là lần mang thai thứ hai của chị Seang, lần đầu chị sinh non ở tuần 28. Lần này bác sĩ ở Campuchia chẩn đoán thai phụ cổ tử cung ngắn, nguy cơ cao sinh non nên khâu eo cổ tử cung lúc thai 14 tuần. Đến tuần thứ 20, thai phụ đau bụng, ra huyết, nhập viện điều trị giữ thai thêm ba tuần thì rỉ ối, thiểu ối, bác sĩ tiên lượng xấu không thể tiếp tục thai kỳ.
Người nhà quyết định đưa chị từ Campuchia về Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị. Êkíp bác sĩ Sản, Hồi sức Sơ sinh đến cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (biên giới Campuchia - Tây Ninh) đón thai phụ và chuẩn bị trang thiết bị sẵn sàng phương án ứng phó trong trường hợp có thể đỡ sinh dọc đường.
May mắn, thai phụ được đưa từ cửa khẩu về bệnh viện Tâm Anh ở TP HCM an toàn, song chỉ số bạch cầu tăng cao, không sốt, nhập viện siêu âm buồng ối còn 3 cm (dưới 2 cm là cạn ối). Bác sĩ cố gắng điều trị kéo dài thai kỳ nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.
Sau đó, thai phụ sốt, tim thai bất thường, các bác sĩ hỗ trợ sinh thường. Bé trai chào đời ở tuần 24, nặng 670 g, tím tái, không thể tự thở. Êkíp Sơ sinh áp dụng "phác đồ giờ vàng" hồi sức cho trẻ ngay tại phòng sinh bao gồm kẹp rốn muộn, bọc túi nylon ủ ấm phòng hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ thở thông khí áp lực dương không xâm lấn tại phòng sinh và liên tục đến khi chuyển về phòng hồi sức sơ sinh (NICU).
Bé sinh cực non, các cơ quan chưa kịp trưởng thành nên bị viêm phổi, tăng đường huyết, vàng da, nguy cơ mắc bệnh võng mạc. Tuy nhiên BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ Sinh đánh giá, bé đáp ứng thuốc, vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Một tháng sau, mẹ và bà ngoại thay nhau ấp kangaroo (da kề da) cho bé. Sau 90 ngày, bé khỏe mạnh, nặng 2,2 kg, tự bú sữa, xuất viện.
Bác sĩ Hạnh nói "đây là em bé đặc biệt" do chào đời quá non, cân nặng thấp, ít cơ hội sống, đã được cứu sống tại bệnh viện. Bé sinh cực non tại các bệnh viện không có đơn vị Hồi sức sơ sinh để hồi sức ngay tại phòng sinh và chăm sóc tích cực sau sinh thì dễ tử vong.
Theo báo cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD), trẻ sinh cực non có nhiều nguy cơ như hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, nhiễm trùng. Tỷ lệ sống sót cho đến khi xuất viện của bé chào đời ở 22 tuần thai khoảng 6%, 23 tuần thai là 26%.
Từ trường hợp chị Seang, bác sĩ Hạnh khuyên thai phụ nguy cơ cao sinh non dưới 27 tuần, nặng dưới 1 kg đừng vội từ bỏ cơ hội sống của trẻ. "Chuyển viện trong tử cung" là giải pháp tối ưu cho những trường hợp này.
Nhiều trường hợp tiền sử sinh non không xác định rõ lý do. Các yếu tố nguy cơ như phụ nữ mang thai quá nhỏ hoặc quá lớn tuổi, mắc bệnh lý, đa thai, nhiễm trùng ối, vỡ ối sớm, đa ối hay rau bong non cũng gây sinh non... Thai phụ cần khám thai đầy đủ để có kế hoạch sinh an toàn.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |