Trả lời:
Thời tiết miền Bắc những ngày gần đây chuyển rét đậm, có nơi kèm theo mưa, nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, đặc biệt là virus gây cúm, cảm lạnh. Đầu năm lại là thời điểm người dân giao lưu, gặp mặt, tiệc tùng nhiều, nếu cơ thể không có sức đề kháng đủ tốt, chủ quan trong bảo vệ đường thở, rất dễ mắc các bệnh hô hấp, với triệu chứng phổ biến là ho.
Ho là một phản ứng của cơ thể nhằm tống chất bài tiết, vi sinh vật, dị vật ra ngoài. Khi ho, các cơ hô hấp được huy động tối đa, làm cho áp lực trong lồng ngực, đường hô hấp ở mức tăng cao nhất. Trong hầu hết các trường hợp, cơn ho là có lợi, do đó bác sĩ thường khuyên người bệnh không nên tìm mọi cách cắt cơn ho, thay vào đó phải tìm nguyên nhân gây ho để điều trị triệt để.
Tuy vậy, cơn ho nhiều, kéo dài thường gây lo lắng, mất ngủ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, cơn ho đến vào những thời điểm nhạy cảm như khi đang đi chúc Tết, tại các buổi tiệc, buổi họp quan trọng... khiến nhiều người cảm thấy ngượng nên cố gắng kìm nén cơn ho.
Về lý thuyết, phải có tác nhân gây kích thích nào đó thì mới dẫn đến cơn ho nhằm loại bỏ chúng khỏi đường thở. Tác nhân này có thể là các dị vật từ bên ngoài như bụi, khói, hạt trái cây, vỏ hạt hướng dương, hạt lạc; hoặc cũng có thể là các tác nhân bên trong như đờm nhầy. Đối với trường hợp đầu tiên, cơn ho rất có lợi do đó người bệnh không nên cố kìm nén việc ho. Nếu không tiện ho tại chỗ, bạn nên lịch sự xin phép ra ngoài, nơi thoáng khí để ho.
Đối với trường hợp thứ hai, thường là các cơn ho do ngứa cổ, người bệnh có thể tạm thời kìm nén ho nếu hoàn cảnh không cho phép. Biện pháp cắt ho nhanh lúc này có thể là uống một vài ngụm nước ấm, ngậm kẹo gừng, nước chanh mật ong. Tuy nhiên sau khi về nhà, người bệnh nên tập thêm bài tập ho chủ động để tống đờm nhầy. Bài tập này thực hiện rất đơn giản, người bệnh ngồi thoải mái, hít chậm và thở sâu rồi nín thở trong vài giây, ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài. Người bệnh khạc đờm vào khăn giấy, sau đó hít vào chậm và nhẹ nhàng, thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.
Các cơn ho đa phần là do bệnh hô hấp thường gặp, có thể điều trị tại nhà, nhưng cũng có một số trường hợp cảnh báo bệnh hô hấp mạn tính nguy hiểm. Do đó, nếu ho kéo dài trên 3 tuần, kèm theo máu, tức ngực, khó thở, hụt hơi khi đi lại, sức khỏe giảm sút, sụt cân... bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp, tuyệt đối không kiêng đi khám đầu năm, có thể dẫn tới bỏ sót bệnh, lỡ giai đoạn vàng để điều trị hiệu quả.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội