Hắt hơi là phản ứng tự vệ đầu tiên của cơ thể chống lại bụi bẩn, phấn hoa, xâm nhập vào lỗ mũi. Phản ứng tự nhiên này sẽ thiết lập lại toàn bộ môi trường mũi, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Mọi người không nên nhịn cơn hắt hơi, do một lực đáng kể được tạo ra trong khi phản ứng tự nhiên này xảy ra. Hơi bị kìm lại có thể tiêu tán qua tai, cổ họng, phổi và các mạch ở đầu dẫn đến các tác dụng phụ như dưới đây.
Thủng màng nhĩ
Khi chặn đường thoát không khí bằng cách bịt mũi hoặc mím chặt miệng trong lúc hắt hơi, không khí sẽ bị đẩy vào tai. Áp lực không khí có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu lên màng nhĩ, dẫn đến mất thính giác hoặc chóng mặt kéo dài.
Thông thường, hầu hết các màng nhĩ bị vỡ sẽ tự lành mà không cần điều trị trong vài tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh cần phẫu thuật màng nhĩ.
Viêm tai giữa
Hắt hơi giúp loại bỏ bất kỳ thứ gì không nên có trong mũi, bao gồm vi khuẩn, chất gây dị ứng... Việc chuyển hướng không khí vào tai từ đường mũi có thể mang theo vi khuẩn hoặc chất nhầy gây nhiễm trùng. Tình trạng thường gây đau đớn. Đôi khi nhiễm trùng tai giữa khỏi mà không cần điều trị, nhưng nhiều trường hợp cần dùng kháng sinh.
Mạch máu bị tổn thương ở mắt, mũi hoặc màng nhĩ
Các chuyên gia cho biết, dù hiếm gặp, hành động nhịn hắt hơi có thể làm hỏng các mạch máu trong mắt, mũi hoặc màng nhĩ. Áp lực gia tăng do việc nhịn hắt hơi có thể khiến các mạch máu trong đường mũi bị chèn ép và vỡ ra, gây đỏ mắt, mũi.
Chấn thương cơ hoành
Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, hình vòm, làm thành một vách gân - cơ, ngăn giữa vị trí lồng ngực và ổ bụng. Cơ hoành có vai trò quan trọng trong sinh lý hệ hô hấp.
Thói quen nhịn hắt hơi có thể gây tổn thương cơ hoành, làm xẹp phổi do chịu áp lực đột ngột. Bạn sẽ cảm thấy đau ở ngực sau khi nhịn hắt xì do không khí bị tăng áp suất.
Chứng phình động mạch
Theo các chuyên gia, áp lực do nhịn hắt hơi có thể dẫn đến vỡ phình động mạch não. Đây là một chấn thương đe dọa tính mạng có thể dẫn đến chảy máu trong hộp sọ xung quanh não.
Khi hắt hơi, bạn cần thực hành vệ sinh đúng cách. Nước, chất nhầy thải ra sau mỗi lần hắt hơi có thể mang theo vi trùng, vi khuẩn lây lan bệnh tật. Vì vậy, khi cơ thể xảy ra phản xạ này, nên che mũi, miệng bằng khăn giấy, vứt vào thùng rác sau khi sử dụng. Hãy quay đầu khỏi nơi có người khi ho hoặc hắt hơi. Nếu hắt hơi vào tay hãy làm sạch tay ngay lập tức, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng.
Hắt hơi có thể gây khó chịu nhưng hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ví dụ, những người bị chảy máu cam thường xuyên có thể bị chảy máu nhiều hơn khi hắt hơi. Người bị chứng đau nửa đầu có thể cảm thấy khó chịu thêm nếu phản xạ xảy ra khi đau đầu. Nếu hắt hơi thường xuyên, không thể xác định rõ nguyên nhân, bạn cần thăm khám bác sĩ.
Lê Nguyễn (Theo Healthline)