Trả lời:
Thời tiết Tết Nguyên đán năm nay ở khu vực miền bắc rét đậm, có kèm mưa phùn, nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Không khí lạnh cộng thêm hoạt động du xuân, tiệc tùng, bia rượu nhiều, chế độ sinh hoạt ngủ nghỉ bị xáo trộn khiến nhiều vấn đề sức khỏe có thể nảy sinh trong dịp Tết. Một trong những tình trạng phổ biến nhất là bệnh đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch yếu, ảnh hưởng đến sức khỏe trong những ngày đầu xuân năm mới.
Tuy nhiên đầu năm, người dân thường có tâm lý ngại đi khám bệnh vì sợ mang lại điềm không may, khiến cả năm đau ốm, bệnh tật. Đặc biệt, nhiều trường hợp người bệnh có lịch tái khám vào các ngày 3, 5, 7, 14 Tết nhưng nhất định không đi, vì nghĩ đây là những ngày "xấu", không phù hợp để xuất hành. Thay vào đó, người bệnh điều trị tại nhà bằng cách tự đi mua thuốc, dùng mẹo dân gian hoặc thuốc lá không rõ nguồn gốc. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thực tế, có những trường hợp bệnh lý hô hấp chưa cần đến bệnh viện và có trường hợp bắt buộc phải đi khám. Đối với các bệnh cấp tính thường gặp như viêm mũi họng, cảm lạnh, cảm cúm, đa phần bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày đến vài tuần. Do đó người bệnh có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng tại nhà bằng các loại thuốc ho, sốt không kê đơn, xông mũi, súc họng, dùng các nguyên liệu tự nhiên như chanh, quất, gừng, mật ong...
Mặc dù các bệnh này ít nguy hiểm nhưng vẫn có nguy cơ biến chứng nặng, do đó người bệnh cần chú ý giữ gìn sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây hại đường hô hấp như khói thuốc, không khí lạnh, đồ uống lạnh. Trong quá trình điều trị tại nhà, cần quan sát và theo dõi kỹ diễn tiến bệnh, nếu có bất thường như: sốt cao, đau ngực, ho ra máu, khó thở cần đến bệnh viện khám và điều trị.
Đối với các bệnh mạn tính như hen suyễn, COPD, việc tuân thủ lịch tái khám đặc biệt quan trọng, giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ phù hợp với tình trạng bệnh, ngăn ngừa đợt cấp xảy ra. Nếu lịch tái khám rơi vào những ngày Tết, người bệnh vẫn nên sắp xếp đi khám đúng hẹn, không trì hoãn. Đặc biệt nếu có những triệu chứng của cơn hen cấp như khó thở, ho nhiều, dùng thuốc cắt cơn không hiệu quả, phải đến ngay bệnh viện để được xử trí, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà vì có thể nguy hiểm tính mạng. Thực tế tại khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, sau kỳ nghỉ Tết âm lịch hàng năm ghi nhận khá nhiều trường hợp người bệnh hen suyễn, COPD chuyển nặng do trì hoãn khám bệnh.
Trường hợp của bạn, cơn ho kéo dài có kèm theo tức ngực, uống thuốc không đỡ, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân, tránh để ảnh hưởng đến chất lượng sống. Nếu do các bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường thì có thể điều trị tại nhà, hạn chế tiếp xúc gần với những người xung quanh để giảm nguy cơ lây lan bệnh. Trường hợp do các bệnh lý phức tạp như hen suyễn, COPD, lao phổi... bạn cần điều trị theo đúng phác đồ, nếu đáp ứng tốt thì thời gian điều trị tại bệnh viện không kéo dài, có thể sớm xuất viện.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội