Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời. Không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ, sữa mẹ còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Theo chuyên gia y tế, tùy thuộc vào từng thời kỳ cho con bú mà sữa mẹ có thể mang nhiều màu sắc khác nhau.
Sữa non
Sữa non là sữa mẹ đầu tiên mà cơ thể phụ nữ tạo ra. Mỗi người mẹ chỉ có thể tạo ra một lượng nhỏ sữa non trong 5 ngày đầu sau khi sinh. Loại sữa này có màu trắng trong, loãng và chứa giá trị dinh dưỡng cao. Đôi khi, chúng cũng có màu vàng hoặc cam do hàm lượng beta-carotene cao.
Sữa chuyển tiếp
Sau một tuần, cơ thể bắt đầu sản xuất nhiều sữa mẹ hơn để đáp ứng nhu cầu của em bé đang lớn. Đây được coi là loại sữa chuyển tiếp được sản xuất giữa giai đoạn sữa non và sữa trưởng thành. Giai đoạn này kéo dài trong 2 tuần sau khi mang thai và sữa thường có màu vàng hoặc trắng.
Sữa trưởng thành
Sau 2 tuần, cơ thể phụ nữ sẽ đến giai đoạn sữa trưởng thành. Màu sắc của sữa được tạo ra lúc này phụ thuộc vào hàm lượng chất béo. Nó được phân loại thành hai phần gồm:
Sữa trước: Sữa chảy vào đầu buổi bú, loãng hơn và có hàm lượng chất béo thấp. Kết cấu của sữa lúc này sẽ có màu trắng trong hoặc hơi xanh.
Sữa sau: Sau thời gian hồi phục nhờ chế độ ăn uống, hàm lượng chất béo của bà mẹ sẽ tăng lên và khiến sữa chuyển sang dạng đặc hơn. Sữa sau sẽ có màu trắng hoặc vàng.
Những màu sắc đặc biệt
Ngoài những thay đổi xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau, màu sắc của sữa mẹ cũng thay đổi tùy thuộc vào loại thực phẩm, thảo mộc hoặc đồ uống. Dưới đây là những màu sắc đặc biệt có thể quan sát bằng mắt thường.
Màu xanh: Do người mẹ ăn nhiều rau xanh như rau bina, bông cải xanh và các loại rau thảo mộc... Ngoài ra, màu sắc này cũng có thể đến từ thức ăn có chứa thuốc nhuộm màu xanh lá cây.
Hồng, cam hoặc đỏ: Trái cây có màu đỏ hoặc cam có thể tạo ra màu này cho sữa mẹ. Bên cạnh đó, một chế độ ăn quá nhiều củ dền, cà rốt hoặc màu thực phẩm cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Rỉ máu hoặc nâu: Nếu sữa mẹ có màu nâu hoặc ra gỉ màu cam sẫm thì đó có thể dấu hiệu cho thấy ống dẫn sữa đang bị rò rỉ máu từ bên trong.
Màu đen: Theo chuyên gia y tế, sữa có màu đen là do chất kháng sinh Minocin (minocycline). Thông thường, loại thuốc kháng sinh này không được khuyến khích sử dụng khi đang cho con bú.
Phần lớn thời gian thay đổi màu sắc của sữa mẹ là do thực phẩm hằng ngày, do đó, các bà mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, phụ nữ nên đến bệnh viện khi nhận thấy màu sắc của sữa rơi vào trường hợp có màu đen. Ngoài ra, nếu người mẹ đã ngừng ăn thực phẩm khiến sữa có màu đỏ hồng mà tình trạng này vẫn không thuyên giảm sau một tuần thì nên đến bệnh viện sớm, bởi đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng vú.
Huyền My (Theo Verywell Health, Times of India)