Ông Henry triệt sản sau khi ly hôn người vợ đầu vào năm 2007. Khi tái hôn với chị Vân, kém gần 30 tuổi, vợ chồng ông đều mong có con. Tết năm 2024, họ về Việt Nam thăm gia đình bên ngoại và đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) thực hiện thụ tinh ống nghiệm, mong đậu thai trong vòng hai tháng để trở lại Anh.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cho biết ông Henry lớn tuổi, xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng do thắt ống dẫn tinh nhiều năm. Chị Vân 35 tuổi nhưng xét nghiệm ghi nhận dự trữ buồng trứng suy giảm mạnh, chỉ số AMH chỉ còn 0.8 ng/mL (chỉ số AMH trung bình ở phụ nữ dưới 38 tuổi khoảng 2-6 ng/mL).
Để tối ưu thời gian điều trị và tỷ lệ thành công, bác sĩ Vỹ chỉ định phác đồ điều trị song song, gồm phẫu thuật tìm tinh trùng của người chồng cùng ngày chọc hút trứng của người vợ, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bằng tinh trùng và trứng tươi.
Thông thường, phụ nữ IVF được kích thích buồng trứng ở ngày hai chu kỳ kinh nguyệt. Song trường hợp chị Vân, bác sĩ Vỹ áp dụng phác đồ kích thích buồng trứng ngẫu nhiên không phụ thuộc chu kỳ kinh nguyệt. Chị Vân được dùng thuốc với liều lượng nhẹ khoảng 10 ngày. Bác sĩ siêu âm theo dõi sự phát triển của nang trứng, tiêm mũi rụng trứng và chọc hút trứng.
Bác sĩ Vỹ áp dụng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA) cho ông Henry nhưng không tìm thấy tinh trùng. Êkíp chuyển sang phẫu thuật mở bìu trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE), tìm đủ số lượng tinh binh cho một chu kỳ IVF.

Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ (bên trái) cùng êkíp phẫu thuật tìm tinh trùng cho nam giới vô sinh. Ảnh minh họa: Phương Trinh
Cùng lúc đó, các bác sĩ ở phòng bên cạnh thu được 8 trứng trưởng thành từ người vợ, trong đó 4 trứng thụ tinh thành công. Phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ trang bị camera quan sát toàn diện và tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), tối ưu các điều kiện phát triển, thu được hai phôi ngày 3 loại hai.
Bác sĩ Vỹ chuyển cùng lúc hai phôi vào tử cung, giúp chị Vân đậu một thai. Đôi vợ chồng trở lại Anh đúng lịch, đến tháng 11/2024 thì con trai chào đời khỏe mạnh, nặng gần 3 kg.
Chị Vân cho biết chi phí IVF để sinh con tại Anh dao động khoảng 15 nghìn bảng (gần 500 triệu đồng). Trong khi tại Việt Nam, vợ chồng chị tốn khoảng 130 triệu đồng, gồm phẫu thuật tìm tinh trùng ở chồng và quá trình IVF. Nhờ đó vừa giảm gánh nặng tài chính, vừa được ở gần người thân.
Theo bác sĩ Vỹ, không có độ tuổi giới hạn cho khả năng sinh sản của nam giới. Song sức khỏe sinh sản nam vẫn suy giảm theo tuổi tác, số lượng và chất lượng tinh trùng kém, tăng nguy cơ đột biến gene hoặc biến đổi tinh trùng. Nam giới có thời gian thắt ống dẫn tinh càng lâu, tỷ lệ thông nối ống dẫn tinh để có thai tự nhiên càng thấp.
Năm 2024, tại IVF Tâm Anh, các bác sĩ đón tiếp và điều trị cho khoảng 15% vợ chồng có yếu tố nước ngoài, trong đó nhiều trường hợp nam giới lớn tuổi, tiền sử thắt ống dẫn tinh muốn có con trở lại. Các kỹ thuật hiện đại giúp nam giới có con gồm, chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA), chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn qua da (TESA), mở bìu trích tinh trùng từ mào tinh vi phẫu (MESA), mở bìu lấy tinh trùng từ tinh hoàn (TESE), vi phẫu tích mô tinh hoàn tìm tinh trùng (Mico-TESE).
Bác sĩ Vỹ khuyến cáo nam giới nên kết hôn và có đủ con trước 40 tuổi để giảm nguy cơ bệnh tật cho con cái và đủ sức khỏe chăm sóc con. Trường hợp nam giới kết hôn một năm không có con, hoặc có tiền sử thắt ống dẫn tinh, nên khám và điều trị sớm giúp tăng tỷ lệ thành công, giảm các khó khăn và chi phí trong quá trình điều trị.
Hoài Thương
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |