"Đây là trường hợp nối ống dẫn tinh thành công lâu năm nhất mà chúng tôi từng điều trị", ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị IVF Tâm Anh Quận 8, cho biết hôm 24/1, thêm rằng ông Tài cũng là người lớn tuổi nhất từng thực hiện phẫu thuật này.
30 năm trước, ông Tài thắt ống dẫn tinh để triệt sản sau khi có hai con với người vợ đầu tiên. Ly hôn, ông sang Australia định cư và lấy vợ mới. Song vợ chồng không thể có con tự nhiên, chi phí điều trị tại Australia đắt đỏ, nên họ quyết định về Việt Nam chạy chữa.
Tại khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, người vợ được đánh giá sức khỏe bình thường, dự trữ buồng trứng tốt, còn ông Tài xét nghiệm tinh dịch không có tinh trùng. Bác sĩ Khoa cho biết ông có thể phẫu thuật nối ống dẫn tinh sau đó có con tự nhiên, hoặc trích tinh trùng từ mào tinh để thụ tinh ống nghiệm (IVF) với trứng của vợ. Ông Tài quyết định mổ nối ống dẫn tinh vì chi phí hợp lý và muốn có con tự nhiên.
Theo bác sĩ Khoa, đây là trường hợp khó, khả năng thành công không cao bởi đã ông Tài đã lớn tuổi, lại triệt sản quá lâu. Kỹ thuật triệt sản trước đó theo kiểu "tận diệt " (cắt đốt sâu và rộng gần như toàn bộ đường ống dẫn tinh), khiến ống dẫn tinh còn sử dụng được chỉ còn một đoạn ngắn.
Để thông nối, bác sĩ Khoa phải lọc, bóc tách, cơi nới sao cho mối nối của hai đầu ống không bị "căng", thuận lợi cho việc lành sẹo và hồi phục của ống dẫn tinh. Bác sĩ loại bỏ các mô sẹo, xơ cứng, cuối cùng nối ống dẫn tinh bằng một loại chỉ siêu nhỏ (nhỏ hơn cọng tóc của người) dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu độ phóng đại cao (Micro TESE). Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tranh thủ thu mẫu tinh trùng đưa vào phòng Lab để trữ đông, dự phòng nối thất bại.
Ca vi phẫu diễn ra thành công sau gần 3 giờ. Vết mổ được may thẩm mỹ trả lại hiện trạng gần như ban đầu và được phủ keo sinh học. Ông Tài xuất viện trong ngày, hôm sau bay về Australia. Một tuần sau, ông được bác sĩ hướng dẫn tập xuất tinh để tạo áp lực dòng chảy, giúp điểm nối sau phẫu thuật không bị xẹp và đường ra của tinh trùng thông suốt.
Xét nghiệm tinh dịch đồ sau một tháng ghi nhận 16 triệu tinh binh, ngang với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021, tiên lượng khả năng có con tự nhiên rất cao. Vợ chồng ông Tài dự tính nếu không đậu thai thì sẽ quay về Việt Nam dùng mẫu tinh trùng trữ đông để thụ tinh ống nghiệm.
Theo bác sĩ Khoa, phẫu thuật nối ống dẫn tinh là phương án nhanh gọn và ít tốn kém nhất khi nam giới triệt sản muốn sinh thêm con. So với IVF, người bệnh giảm được 60-80% thời gian và chi phí điều trị, có thể chủ động sinh thêm nhiều con trong tương lai.
Trước đây, tỷ lệ thành công của phương pháp này chỉ khoảng 50% với những ca triệt sản trên 10 năm. Tỷ lệ dao động tùy vào thời gian triệt sản và tình trạng sức khỏe sinh sản của bệnh nhân. Nếu nam giới triệt sản trên 15 năm, tỷ lệ thành công thường khiêm tốn.
"Trường hợp nối ống dẫn tinh thành công sau 30 năm triệt sản như ông Tài là rất hiếm", bác sĩ Khoa nói, thêm rằng các trang thiết bị hiện đại như kính vi phẫu phóng đại 30 lần có thể cải thiện khả năng thông nối ống dẫn tinh đến hơn 95%.
Ngoài triệt sản, IVF Tâm Anh đã thông nối ống dẫn tinh cho nhiều trường hợp vô sinh do tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, chấn thương, viêm nhiễm hệ sinh dục, u bướu. Trong đó, khoảng 60% là khách nước ngoài, Việt kiều.
Độ tuổi nhỏ nhất được mổ nối ống dẫn tinh là 30. Bác sĩ Khoa khuyến cáo nam giới càng lớn tuổi, lượng tinh trùng càng ít, tỷ lệ tái thông nối và thụ thai thành công càng thấp. Bên cạnh đó, thời gian thắt càng lâu, các mô xơ sẹo sau thắt sẽ gây tắc nghẽn lòng ống. Do đó, nam giới nên cân nhắc kỹ khi triệt sản và nếu có mong muốn sinh thêm con nên sớm đi khám và điều trị để tiết kiệm chi phí, tăng khả năng thành công.
Đình Lâm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |