Trả lời
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2020, ung thư phổi tại Việt Nam xếp thứ hai trong các loại ung thư, với 26.260 ca mắc mới, chiếm 14,4% và hơn 23.790 người bệnh tử vong.
Đa số trường hợp mắc ung thư phổi được phát hiện khi có triệu chứng như ho kéo dài, ho máu, khó thở, đau xương, đau ngực, nói khan tiếng, đau đầu và sụt cân không chủ ý. Tuy nhiên, khi xuất hiện những triệu chứng này, bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn tiến triển, khó điều trị.
Sàng lọc, tầm soát ung thư phổi giúp phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng sống cho người bệnh.
Những người có nguy cơ ung thư phổi cao nên sàng lọc như hút thuốc lá, tiếp xúc thường xuyên với chất gây ung thư, phơi nhiễm phóng xạ, tiền sử ung thư, gia đình có người bị ung thư phổi, tiền sử bệnh phổi như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), xơ hóa phổi, điều trị thay thế hormone.
Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư phổi cao hơn khi người thân có quan hệ ruột thịt (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh. Nguy cơ tăng cao hơn nữa ở người hút thuốc, tiếp xúc với phóng xạ hay các chất gây ung thư.
Nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc lá (chủ động, thụ động) cao gấp khoảng 20 lần so với người chưa từng hút thuốc. Hút thuốc còn liên quan đến các bệnh ung thư khác, bệnh tim mạch và COPD.
Công nhân làm việc trong môi trường phơi nhiễm tia xạ ion hóa (radon); arsenic, asbestos (thạch tín, amiang), beryllium, cadmium, chromium, khói than, khói diesel, nickel, silica, uranium cũng có khả năng bị ung thư phổi.
Người từng mắc ung thư hạch, ung thư thứ phát (ung thư bắt đầu từ một vị trí trên cơ thể sau đó di căn sang vùng khác) liên quan tới hút thuốc, ung thư vùng đầu cổ và được điều trị có nguy cơ ung thư phổi cao.
Tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi có liên quan đến ung thư phổi, mối liên hệ này phần lớn là do hút thuốc lá. Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp thay thế hormone có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư phổi ở phụ nữ.
Để đánh giá cụ thể mức độ nguy cơ, bạn nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được khám và tư vấn. Phương pháp tầm soát sớm ung thư phổi được khuyến cáo hiện nay là chụp CT phổi liều thấp.
Bác sĩ Lã Quý Hương
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |