Trả lời:
Sỏi tuyến nước bọt dưới lưỡi là do sự tích tụ tinh thể nhiều thành phần, trong đó có canxi, thành những viên nhỏ dạng sỏi trong tuyến nước bọt dưới lưỡi. Bệnh ít gặp, vị trí phát hiện thường là trong ống tuyến. Kích thước sỏi nhỏ hơn so với sỏi trong các tuyến nước bọt chính khác; dạng tròn, bầu dục hoặc đôi khi có hình thon dài theo hình dạng của ống tuyến.
Sỏi này thường không gây hậu quả nghiêm trọng, triệu chứng hay gặp nhất là sưng căng vùng dưới lưỡi, đau, nhiễm trùng tại chỗ do tắc nghẽn gây tích tụ nước bọt và tạo điều kiện cho vi trùng phát triển.
Nếu tắc nghẽn kéo dài, nước bọt bị ứ trệ, có thể dẫn đến giãn toàn bộ ống tuyến. Nếu không được điều trị thích hợp, có thể dẫn đến xơ hóa vĩnh viễn và teo tuyến.
Điều trị sỏi tuyến nước bọt dưới lưỡi có thể bắt đầu bằng các biện pháp bảo tồn, bao gồm xoa bóp tuyến nước bọt, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và dùng viên ngậm có vị chua giúp tăng tiết nước bọt. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ chỉ định điều trị thêm kháng sinh.
Do ống tuyến ngắn và tuyến nước bọt nằm sát sàn miệng nên xử trí sỏi của tuyến này tương đối ít phức tạp hơn so với tuyến dưới hàm và tuyến mang tai.
Thủ thuật xâm lấn tối thiểu là hình thức điều trị phổ biến, thường áp dụng cho sỏi tuyến nước bọt kích thước nhỏ hoặc trung bình, nhất là với các sỏi ống tuyến. Bằng phương pháp nội soi ống tuyến lấy sỏi, bệnh nhân vẫn có thể bảo tồn được tuyến nước bọt, tránh được các di chứng khi cắt bỏ tuyến nước bọt. Sỏi vừa hoặc lớn, thường ở tuyến mang tai, có thể được phá vỡ bằng tia laser (tán sỏi).
Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến nước bọt trong trường hợp không thể tiến hành thủ thuật xâm lấn tối thiểu để lấy sỏi.
Mặc dù cắt bỏ tuyến nước bọt không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước bọt tổng thể, nhưng thời gian đầu sau mổ vẫn có nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng miệng. Do đó, hậu phẫu người bệnh cần giữ ẩm cho miệng bằng cách uống nhiều nước trong ngày, giữ miệng sạch sẽ, súc miệng trước và sau bữa ăn và đánh răng sau khi ăn. Ăn miếng nhỏ và nhai kỹ thức ăn.
Ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt. Bổ sung độ ẩm cho miệng bằng cách sử dụng các chất thay thế nước bọt. Người bệnh cần tránh súc miệng bằng nước súc miệng hóa chất, tránh đồ uống có cồn, axit và không hút thuốc lá.
Hiện nay, cơ chế hình thành sỏi tuyến nước bọt chưa được biết rõ nên vẫn chưa có các khuyến cáo phòng ngừa cụ thể. Nhưng nghiên cứu đã chứng minh tình trạng răng miệng kém, thuốc lá, đồ uống có cồn, thức ăn quá nhiều canxi làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi như vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước ngọt, sử dụng chất kích thích. Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, không dùng quá nhiều thực phẩm giàu canxi, nên uống nhiều nước để giữ ẩm cho vòm miệng, khám tầm soát bệnh lý tai mũi họng định kỳ.
ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |