Theo BS.CKII Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sỏi tuyến nước bọt là bệnh phổ biến nhất của tuyến nước bọt. Khoảng 80-90% trường hợp xảy ra ở ống Wharton (ống tuyến dưới hàm) và tuyến dưới hàm. Sỏi tuyến nước bọt ở tuyến mang tai chiếm 5-15%, tuyến dưới lưỡi khoảng 2-5%. Bệnh hiếm khi xảy ra ở các tuyến nước bọt phụ.
Về bản chất, sỏi tuyến nước bọt là những khối hữu cơ bị vôi hóa hình thành trong hệ thống bài tiết của tuyến nước bọt như canxi cacbonat, photphat, mảnh vụn tế bào, glycoprotein, mucopolysaccharide. Sỏi thường có kích thước từ một mm đến dưới một cm, trên 1,5 cm rất hiếm gặp.
Sỏi tuyến nước bọt là bệnh lý lành tính, nếu phát triển lớn gây tắc tuyến nước bọt dẫn đến viêm, đau. Sỏi gây tắc nghẽn làm cản trở tiết nước bọt như bình thường, ảnh hưởng đến toàn bộ niêm mạc vùng họng miệng, không có lợi cho tiêu hóa.
Người bệnh nên đi khám nếu có triệu chứng nghi ngờ sỏi tuyến nước bọt như khô miệng, ít nước bọt, khó nuốt, sờ thấy cục u dưới lưỡi, một hoặc hai bên mang tai, dưới hàm, viêm đau, sưng mặt có thể kèm sốt.
Trong một số trường hợp sỏi kích thước nhỏ, người bệnh có thể tự đẩy sỏi ra ngoài bằng một số cách hỗ trợ dưới đây.
Uống nhiều nước cung cấp chất lỏng, làm tăng tiết nước bọt và có thể đẩy sỏi ra ngoài đường miệng.
Ngậm kẹo cứng và chua, không đường như kẹo chanh, ăn nhiều trái cây họ cam quýt (cam, bưởi, quýt...) có thể kích thích tăng tiết nước bọt, đẩy sỏi ra ngoài.
Chườm ấm vùng bị ảnh hưởng giúp giảm kích ứng, hỗ trợ loại bỏ sỏi. Bạn cũng có thể đắp một miếng gạc ấm, khăn ướt để bớt cảm giác khó chịu.
Xoa bóp nhẹ nhàng hoặc massage liên tục lên vùng bị ảnh hưởng nhằm làm tan sỏi, giảm cơn đau.
Đối với sỏi tuyến mang tai, đặt hai ngón tay sau tai và trượt chúng về phía trước dọc theo má, đồng thời ấn nhẹ. (Hình 1B, 1C)
Trường hợp sỏi ở các tuyến dưới hàm hoặc dưới lưỡi, đặt hai ngón tay dưới hàm và trượt về phía trước, dọc theo mép của đường bờ hàm dưới để đẩy dòng nước bọt chảy vào sàn miệng. (Hình 2B, 2C)
Bác sĩ Duy lưu ý nếu sỏi tuyến nước bọt gây viêm đau, người bệnh cần khám bác sĩ để được kiểm tra và xử trí phù hợp. Chườm đá lạnh cũng giúp giảm đau, cảm thấy dễ chịu hơn.
Sỏi tuyến nước bọt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi dưới 40, bệnh nhân nam gấp đôi nữ.
Theo bác sĩ Duy, nguyên nhân hình thành sỏi tuyến nước bọt chưa được xác định rõ. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm mất nước, ăn uống kém, sử dụng một số loại thuốc làm giảm tiết nước bọt, nước bọt cô đặc có thể hình thành sỏi. Ngoài ra, tai nạn gây chấn thương tuyến nước bọt hoặc thiếu hụt chất ức chế kết tinh cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên Phương
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để được bác sĩ giải đáp.