Trả lời:
Các khối u tuyến nước bọt thường phát sinh từ các tuyến nước bọt mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi và các tuyến nước bọt nhỏ của đường tiêu hóa trên.
Nhóm khối u này ít gặp, có thể lành tính hoặc ác tính, xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Phương pháp điều trị cũng như tiên lượng khác nhau tùy từng loại.
U tuyến nước bọt lành tính là các khối u không lan sang các bộ phận khác của cơ thể và không đe dọa tính mạng. Các khối u đa phần lành tính, hầu như có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Trong một số trường hợp, u lành tính không được loại bỏ trong thời gian dài có thể tiến triển thành ác tính (ung thư).
Dựa trên hình thức của các tế bào, ung thư tuyến nước bọt cũng thường được phân loại từ một đến ba hoặc từ thấp đến cao. Cấp độ ung thư cho biết khả năng phát triển và lây lan nhanh của loại ung thư đó.
Nguyên nhân u tuyến nước bọt vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm nhiễm phóng xạ, nhiễm virus (EBV và HIV), tiếp xúc với tia cực tím, phơi nhiễm nghề nghiệp trong ngành cao su hoặc niken. Người từng mắc u nguyên bào tủy, ung thư, ung thư biểu mô tế bào, gia đình có người u tuyến nước bọt dễ mắc loại ung thư này.
U tuyến nước bọt lành tính và ác tính đều không có triệu chứng đặc hiệu, khó quan sát, khó phát hiện bằng mắt thường. Các kiểm tra cận lâm sàng chuyên sâu có thể giúp chẩn đoán đặc tính, mức độ nguy hiểm của từng khối u.
Nếu bạn có khối u tuyến nước bọt, nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc ung bướu để được xác định bản chất khối u, điều trị phù hợp. Sau phẫu thuật, loại u này vẫn có tỷ lệ tái phát nhất định. Người bệnh cần khám định kỳ sau phẫu thuật để kiểm soát nguy cơ tái phát.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |