MRI sử dụng một nam châm lớn, các xung sóng tần số vô tuyến và máy tính để mô phỏng hình ảnh bào thai trong bụng mẹ. Kỹ thuật này không xâm lấn, cung cấp thông tin, hình ảnh rõ ràng về cấu trúc giải phẫu của thai nhi.
Ngày 20/6, ThS.BS La Hồng Châu, Trưởng đơn vị hình ảnh học Sản Phụ khoa, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết MRI sử dụng từ trường thay tia bức xạ (tia X) nhằm phát hiện toàn diện các bất thường ở não, xương sống, mặt, cổ, ngực, phổi, bụng, xương chậu (bao gồm ruột, thận và bàng quang), cấu trúc nhau thai...
Trong chẩn đoán hình ảnh thai, siêu âm và các xét nghiệm là phương pháp cơ bản phát hiện bất thường thai nhi. Tuy nhiên, dị tật hệ thần kinh rất khó phát hiện chính xác. Lúc này, kỹ thuật MRI giúp chẩn đoán chính xác các dị tật thai, nhất là dị tật hệ thần kinh trung ương. Chỉ định chụp MRI thường được thực hiện ở quý hai, quý ba thai kỳ sau khi có kết quả xét nghiệm hoặc siêu âm thai bất thường.
Phương pháp này còn khắc phục các hạn chế của siêu âm bao gồm sự cốt hóa của vòm sọ, tư thế thai nhi không thuận lợi và nước ối ít. MRI cũng cho phép khảo sát các cấu trúc ở những vùng siêu âm khó tiếp cận như hậu nhãn cầu, nền sọ gồm xương đá, ống bán khuyên, ốc tai và vùng giao thoa thị giác.
Bác sĩ cũng chỉ định chụp MRI cho những trường hợp gặp khó khăn trong chẩn đoán trên siêu âm như người mẹ béo phì, tư thế thai nhi không thuận lợi, thai thiểu ối, vô ối... Kết quả MRI cung cấp thêm thông tin chẩn đoán cho trường hợp dị tật phức tạp. Từ đó bác sĩ đánh giá có thể giữ thai hay chấm dứt thai kỳ, đề xuất phương pháp can thiệp sau sinh.
"Trong nhiều trường hợp, MRI hiệu quả chẩn đoán tốt hơn so với siêu âm, chụp X-quang hay CT", bác sĩ Châu nói, dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet cho thấy độ chính xác trong chẩn đoán dị tật hệ thần kinh trung ương của MRI là 93% so với siêu âm là 63%.
Như chị Hiền, 25 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu, mang thai 26 tuần, bác sĩ chẩn đoán teo ruột bẩm sinh, tiên lượng nặng, khuyên hủy thai kỳ bởi khả năng bé sinh non hoặc có thể mất trong bụng mẹ. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ chỉ định chụp MRI đánh giá dị tật đường tiêu hóa nặng.
"Trường hợp này có thể can thiệp sau sinh nếu chăm sóc thai kỳ tốt", bác sĩ Châu nói. Đến tuần thai 36, bác sĩ siêu âm, phát hiện bào thai có nước ối di chuyển chậm trong ruột nhu động ruột thai giảm, nghi xoắn ruột, bụng thai nhi phình to, phải mổ khẩn để cứu bé. Kết quả kiểm tra sau sinh bé teo ruột type 4, tức mức độ nặng nhất.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, quyết định phẫu thuật cho bé sau sinh 10 tiếng nhằm thông suốt chỗ tắc, tránh xoắn hay hoại tử ruột.
Không may mắn như chị Hiền, chị Minh, 34 tuổi phát hiện thai giãn não thất nhẹ trên siêu âm, chụp MRI ghi nhận thai dị tật nặng với tiên lượng nặng. ThS.BS.CKI Trần Lâm Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, khuyên hai vợ chồng tìm nguyên nhân thai bất thường. Kết quả kiểm tra gene của thai bất thường, nhưng xét nghiệm di truyền bố mẹ đều bình thường.
Chị Hiền mang bầu lần hai được 19 tuần, tình trạng này lặp lại, với kết quả di truyền bất thường giống thai lần đầu, hai vợ chồng quyết định đình chỉ thai lần hai. Bác sĩ Lâm Khoa khuyên chị thực hiện thụ tinh ống nghiệm kết hợp sàng lọc phôi để có cơ hội sinh con khỏe. Hiện chị mang thai 20 tuần, các khảo sát sàng lọc, hình ảnh học bào thai không ghi nhận bất thường.
Trường hợp khác là chị Ngân, mang thai 29 tuần 5 ngày, chụp MRI cho thấy não bất thường nặng. Sau đó, thai nhi được xác định mắc bệnh bất thường hệ thần kinh trung ương do đột biến L1CAM, vợ chồng chị quyết định đình chỉ thai. Chị được tư vấn thụ tinh ống nghiệm sàng lọc phôi khỏe mạnh để sinh con.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mỗi ngày có khoảng 3-4 thai phụ có chỉ định chụp MRI thai. Phần lớn họ có bất thường trên siêu âm, cần sử dụng kỹ thuật chẩn đoán cao cấp hơn để khảo sát các dị tật thai.
Bác sĩ Lâm Khoa đánh giá MRI giúp bác sĩ y học bào thai có thể xác định chính xác tình trạng bệnh, từ đó đánh giá có thể cung cấp thêm nhiều dữ kiện cho việc tiên lượng thai, can thiệp sau sinh cho bé, chuẩn bị cuộc sinh an toàn.
Theo Bộ Y tế, nước ta có khoảng một triệu trẻ em ra đời mỗi năm, trong đó 22.000-30.000 bé bị dị tật bẩm sinh. Tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-17, chiếm tỷ lệ 3,1%.
Theo bác sĩ Lâm Khoa, dị tật bẩm sinh do nhiều yếu tố gây ra như do bất thường di truyền, tiếp xúc với hóa chất độc hại, lớn tuổi, nhiễm trùng khi mang thai, thiếu axit folic trước và trong khi mang thai. Một số yếu tố nguy cơ tăng sinh con dị tật như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, sử dụng thuốc điều trị...
Bác sĩ khuyến cáo không phải tất cả dị tật bẩm sinh đều có thể ngăn ngừa được. Thai phụ nên sàng lọc thai kỳ và tuân thủ khám thai định kỳ để tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
20h ngày 20/6, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tư vấn trực tuyến về "Phối hợp Sản - Nhi trong chăm sóc Sản khoa, chẩn đoán trước sinh, tầm soát sớm và chính xác dị tật thai nhi". Chương trình được phát trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả đặt câu hỏi tại đây. |