Trả lời:
Nội soi đại tràng là quá trình đưa ống soi mềm từ hậu môn vào trực tràng, đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên đến manh tràng để quan sát kiểm tra toàn bộ khung đại tràng (ruột già). Từ đó, bác sĩ xác định và đánh giá các tổn thương như polyp, viêm hoặc ung thư. Để quá trình thuận lợi, kết quả chính xác, bạn cần chuẩn bị trước, trong và sau khi nội soi.
Trước khi nội soi đại tràng
Người bệnh đi khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng, có hoặc nghi ngờ mang thai không. Điều này giúp tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong khi can thiệp nội soi.
Đa số các loại thuốc có thể vẫn được sử dụng trước khi nội soi đại tràng. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường cần điều chỉnh lại chế độ dùng thuốc. Người đang dùng thuốc chống đông máu không cần ngưng thuốc nếu chỉ nội soi chẩn đoán. Trường hợp can thiệp thủ thuật như cắt polyp, bác sĩ hướng dẫn ngưng thuốc nhằm tránh nguy cơ chảy máu. Điều trị dự phòng bằng kháng sinh không cần thiết vì nguy cơ nhiễm trùng trong nội soi đại tràng chẩn đoán hoặc điều trị thường quy rất thấp.
Áp dụng chế độ ăn ít chất xơ dưới 10 g một ngày trước ngày nội soi. Các thực phẩm ít chất xơ bao gồm trái cây tươi bỏ vỏ, rau quả nấu chín (như cà rốt), pho mát, thịt, cá, bánh mì trắng. Tránh ăn ngũ cốc nguyên hạt và các chế phẩm, trái cây, rau quả có nhiều chất xơ như cam, nấm... Bác sĩ kê thuốc xổ, thuốc nhuận tràng kèm hướng dẫn cách dùng thuốc làm sạch đại tràng trước nội soi.
Trong quá trình nội soi
Người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng bên trái, chân co lại cao lên gần tới bụng. Bác sĩ đưa ống nội soi vào đại tràng từ hậu môn, thực hiện bơm hơi làm căng giãn lòng đại tràng giúp bác sĩ quan sát dễ dàng hơn.
Đối với nội soi thường (không gây mê), người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, cảm giác căng tức bụng. Bệnh nhân không nên quá lo sợ mà cần giữ bình tĩnh, nằm im, hít thở sâu. Cảm giác khó chịu thường hết sau khi nội soi kết thúc.
Trường hợp nội soi có gây mê (nội soi không đau), bác sĩ tiêm thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch để gây mê toàn thân. Người bệnh được nội soi trong trạng thái ngủ nên không cảm thấy khó chịu hay đau đớn. Quá trình nội soi diễn ra trong 15-30 phút, tùy theo tình trạng cụ thể của từng người bệnh.
Sau khi nội soi
Người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn đến khi các cảm giác khó chịu ở bụng như đau âm ỉ, chướng bụng, khó đi ngoài, thuyên giảm. Người có cắt polyp hoặc sinh thiết thì có thể thấy ít máu trong phân khi đi ngoài. Đây là những triệu chứng bình thường và nhanh chóng biến mất, vì vậy người bệnh không cần quá lo lắng.
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, chóng mặt, đau bụng dữ dội, đại tiện ra máu nhiều..., người bệnh nên ở lại bệnh viện để được theo dõi. Bác sĩ trả kết quả nội soi, kê thuốc, hẹn tái khám (nếu cần) và hướng dẫn cách ăn uống, chăm sóc sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |