Thời gian trẻ nghỉ hè cũng là lúc các gia đình lên kế hoạch nghỉ dưỡng hoặc du lịch dài ngày. Song, trẻ thường khó chịu khi phải ngồi máy bay, quấy khóc khi chuẩn bị cất cánh hoặc hạ cánh. Lý do là trẻ bị ù tai nặng hơn người lớn vào thời điểm này, một số thậm chí cảm thấy rất đau đớn.
Cấu tạo tai trẻ khác với người lớn, ví dụ các ống eustachian (bộ phận nối tai giữa với phía sau cổ họng) nhỏ hơn và nằm ngang, nên cân bằng áp suất kém hơn tai người lớn. Một số trẻ có nhiều dịch lỏng đọng lại trong tai, không đi xuống cổ họng hoặc có mô vòm họng lớn, mắc bệnh dị ứng, cấp tính chưa kiểm soát. Những lý do này khiến cho ống tai bị tắc và kém thích nghi với sự thay đổi độ cao của máy bay. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ chưa biết cách thực hiện các thao tác giúp tai cân bằng áp suất, ví dụ thủ thuật bịt mũi và xì hơi qua tai, hay nuốt nước bọt.
Vì vậy, các chuyên gia hướng dẫn 5 cách giúp giảm đau, ù tai cho bé khi đi máy có thể áp dụng như sau.
Xịt nước muối: Nếu trẻ bị nghẹt mũi khi đi máy bay, gia đình nên sử dụng bình xịt nước muối để giữ ẩm cho mũi, làm lỏng chất nhầy, giúp khai thông đường thở. Từ đó, trẻ có thể giảm đau tai.
Uống đủ nước: Không khí trên máy bay thường khô, vì vậy phụ huynh nên cho con uống đủ nước dù trẻ không bị ốm.
Nuốt hoặc ngáp: Hành động nuốt và ngáp có thể hữu ích khi giảm ù và cơn đau tai. Gia đình nên khuyến khích trẻ uống nước khi áp suất máy bay thay đổi; đối với trẻ sơ sinh thì khuyến khích bú mẹ, bú bình hoặc dùng núm vú giả; trẻ lớn có thể nhai kẹo cao su hoặc ăn nhẹ.
Không cho trẻ ngủ: Trẻ nên tỉnh táo trong quá trình cất cánh và hạ cánh có thể làm giảm đau tai. Lý do là khi ngủ, cơ thể khó cân bằng áp suất hơn khi thức giấc. Nếu trẻ khóc, gia đình không nên dỗ trẻ, có thể nhờ các hành khách trên chuyến bay thông cảm để trẻ tiếp tục khóc. Lý do là tiếng khóc cũng có tác dụng kích thích chuyển động nuốt, mút, nhai.
Không cho trẻ ốm đi máy bay: Trẻ bị ốm rất khó kiểm soát triệu chứng và có thể trở nặng, có thể khiến cơn đau tai trở nên nghiêm trọng hơn. Cơ thể mệt mỏi cũng ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của tai với sự thay đổi áp suất.
Chi Lê (Theo Huffpost)