Trả lời:
Chóng mặt không phải bệnh mà là một triệu chứng, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ lành tính đến nghiêm trọng. Chóng mặt có thể biểu hiện dưới dạng quay cuồng, mất thăng bằng, đầu lâng lâng hoặc cảm giác vật xung quanh chuyển động. Thời gian cơn chóng mặt có thể từ vài giây đến vài giờ, cũng có thể kéo dài nhiều ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân. Tụt huyết áp tư thế là tình trạng huyết áp giảm rõ khi đứng lên, gây thiếu máu thoáng qua lên não cũng dẫn đến chóng mặt, choáng váng, có thể kèm nôn ói nhẹ hoặc ngất.
Bạn có thể bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign Paroxysmal Positional Vertigo - BPPV). Đây là tình trạng các hạt thạch nhĩ trong tai trong bị lạc chỗ, kích thích sai lệch cơ quan cảm nhận thăng bằng. Chóng mặt trong BPPV thường xuất hiện khi thay đổi tư thế đầu như nằm xuống, quay đầu, ngồi dậy và không kèm yếu liệt hay rối loạn ý thức.
Trong một số trường hợp, chóng mặt có thể là biểu hiện ban đầu của tổn thương thần kinh trung ương như đột quỵ, nhất là đột quỵ vùng thân não hoặc tiểu não (nơi điều khiển các chức năng sống cơ bản và cảm giác thăng bằng). Đặc điểm cơn chóng mặt trong trường hợp này thường biểu hiện đơn độc, nhưng khởi phát đột ngột, không cải thiện khi nằm nghỉ, mất thăng bằng nghiêm trọng. Các dấu hiệu thần kinh đi kèm có thể bao gồm nói khó, nhìn đôi, sụp mi, yếu hoặc tê nửa người, mất điều hòa vận động, mất khả năng đi lại hoặc đứng vững, rối loạn ý thức. Trong tình huống này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu, can thiệp kịp thời.
Bạn 36 tuổi, chóng mặt đột ngột khi thay đổi tư thế, nên đi khám để được đánh giá tổng thể. Trường hợp chóng mặt xảy ra đột ngột, kéo dài, không liên quan rõ ràng đến thay đổi tư thế, kèm theo dấu hiệu thần kinh như nói khó, nhìn đôi, yếu hoặc tê nửa người, có khả năng liên quan đến đột quỵ.
Để chẩn đoán phân biệt giữa chóng mặt lành tính và chóng mặt do đột quỵ, bác sĩ có thể chỉ định bạn đo huyết áp tư thế, điện não đồ (EEG) nếu nghi ngờ nguyên nhân động kinh, MRI sọ não, chụp mạch máu não (MRA, CTA, hoặc DSA)...
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, tiền sử rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), bệnh van tim, lạm dụng rượu bia, tiền sử gia đình bị đột quỵ... cần khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo. Đột quỵ có khả năng cao xảy ra ở người bị dị dạng mạch máu bẩm sinh (phình mạch, dị dạng thông động tĩnh mạch não), bóc tách động mạch cảnh, động mạch đốt sống - thân nền, rối loạn đông máu di truyền...
Người bị chóng mặt nhiều lần, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, sinh hoạt hoặc gây lo lắng kéo dài nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được khám và chẩn đoán chính xác.
BS.CKII Chu Bá Chung
Khoa Thần kinh Đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |