Đọc bài viết "13 năm chậm tiến vì con nhà nghèo", tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện vượt lên chính mình của bản thân:
Tôi năm nay 27 tuổi, từ nhỏ đã vốn ham chơi, lười học, mê điện tử, nhưng được cái hiền lành. Thứ duy nhất tôi giỏi có lẽ là tiếng Anh, dù tôi không học thêm bên ngoài. Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đậu vào một trường Trung cấp theo nguyện vọng của gia đình, vì ba tôi cũng là cán bộ nhà nước. Nhưng rồi, tôi từ chối học vì cho rằng công việc đó gò bó và quá nhiều quy tắc, khiến ba mẹ rất thất vọng.
Tôi chọn vào làm tại một cửa hàng tiện lợi ở khu vực trung tâm Sài Gòn, tranh thủ học thêm tiếng Nhật vào buổi tối. Sau một năm theo học, tôi giành được một học bổng nhỏ, có thể sang Nhật Bản tiếp tục học tiếng thêm hai năm, và có cơ hội vào đại học tại đây nếu tôi đạt một số chứng chỉ nhất định. Thế rồi, tôi mất học bổng vì không nhận được sự đồng ý từ phía ba mẹ. Ngay cả khi đã nhờ vả bạn bè, thầy cô, tôi cũng không thể lay chuyển được họ.
Tức giận là từ duy nhất tôi có thể miêu tả về cảm xúc của mình ở thời điểm đó. Một thời gian sau, tôi thấy mình không còn mục đích gì để tiếp tục. Năm 2015, tôi từ bỏ và xin vào làm văn phòng ở một khu công nghiệp gần nhà. Ban đầu, tôi chỉ xem công việc đó là tạm bợ, vì bản thân cũng không biết mình phải làm gì.
>> Làm việc 100 tiếng mỗi tuần vẫn không giàu
Tôi sống không có mục đích, cũng không quan tâm tới mức lương chỉ có 5 triệu đồng một tháng, cho đến khi tôi gặp mối tình thứ hai của mình. Chúng tôi làm cùng khối văn phòng, khác bộ phận, cô ấy quê Bắc Ninh, theo bố mẹ vào đây sinh sống và tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, khoa Tài chính Ngân hàng. Yêu nhau hơn một năm, tôi muốn có thể chăm sóc cho người mình yêu nên đã đâm đầu vào "cày cuốc", tăng ca, làm hết sức mình, để hai đứa có thể lấy nhau.
Năm 2018, cô ấy nghỉ và xin vào làm tại một ngân hàng ở cách xa công ty cũ. Chúng tôi không thường xuyên gặp nhau và mối tình bắt đầu rạn nứt. Việc chia tay tác động rất lớn đến tôi, từ cách nhìn nhận cuộc sống, tính cách, cách suy nghĩ... Tôi trở nên khó tính, nghiêm khắc hơn rất nhiều, cách nhìn cuộc sống cũng khắc nghiệt hơn và cũng vì vậy tôi không bao giờ cho phép mình dừng lại mà phải tiếp tục tiến lên, vì nếu không tôi sẽ luôn nghĩ tới thất bại này.
Cuối năm ấy, tôi bỏ công việc tại công ty cũ và đăng ký học lập trình tại một trung tâm công nghệ ở quận 10. Nhờ có hai ngoại ngữ, tôi may mắn được nhận vào làm ở một công ty gia công phần mềm, vị trí lập trình vi mạch theo dạng đào tạo người không có kinh nghiệm, có ràng buộc. Xung quanh tôi khi ấy chỉ là những bạn sinh viên vừa tốt nghiệp. Mặc cảm về tuổi tác, trình độ, tôi chỉ có thể cố gắng học, nhưng vì không được đào tạo về điện hay vi mạch, tôi gặp rất nhiều khó khăn để theo kịp. Và cứ mỗi khi thất bại, tôi lại buồn bã nhớ về chuyện năm xưa.
Sau một năm làm việc, va chạm ít nhiều cũng giúp tôi biết được mình cần học gì? Tôi xin nghỉ việc ở công ty để dành thời gian học thêm kiến thức, hy vọng có thể xin một công việc với mức lương khá hơn. Dự định ban đầu của tôi là sau hai tháng học sẽ đi xin việc. Tôi dành hơn sáu tiếng mỗi ngày để học thêm những kiến thức mới. Việc tự học online cũng gặp nhiều khó khăn vì tôi không có kiến thức nền, cũng không có người để hỏi. Lại nghĩ đến thất bại năm xưa, tôi mệt mỏi mỗi khi không hiểu bài, trong khi lượng kiến thức cần học lại quá nhiều, đôi lúc chúng khiến tôi bật khóc.
Khó khăn chưa dừng ở đó, sau hai tháng, tôi vẫn chưa xin được việc mới. CV rải đi khắp nơi, nhưng tôi cứ chờ đợi trong vô vọng như vậy suốt ba tháng, bốn tháng, rồi nửa năm. Vì không muốn gia đình biết chuyện, và để tránh bị nghi ngờ, tôi đã âm thầm bán laptop của mình để lấy tiền phụ giúp gia đình tiền điện nước, và lấy lý do nghỉ dịch nên được làm việc ở nhà. Những lúc đi phỏng vấn, tôi nói là lên công ty có việc.
Cứ như vậy, sau hơn nửa năm tự học, cuối cùng, tôi cũng xin vào được công ty đang làm hiện tại. Với kinh nghiệm từng làm lập trình một năm, và hai ngoại ngữ, tôi được đề nghị mức lương 15 triệu đồng một tháng. Đợt dịch vừa rồi, tôi không bị mất việc, vẫn có thu nhập để giúp đỡ gia đình mà vẫn dư một khoản để tiết kiệm. Hiện tại, tôi vẫn cố gắng học thêm mỗi tối và cuối tuần, với hy vọng trước tuổi 30 có thể đạt được mức lương mà tôi mong muốn trước khi lập gia đình.
>> Con nhà nghèo làm giàu thế nào
Sau tất cả những gì đã trải qua, tôi muốn nhấn mạnh rằng, người giàu không có ý chí cũng chưa chắc đã thành công, lợi trước hại sau là một điều không thể tránh khỏi. Còn người nghèo, nếu chịu khó thì sớm muộn cũng sẽ được đền đáp xứng đáng. Đừng mãi nhìn vào cuộc sống sung túc của người khác mà chìm sâu trong vũng bùn của chính bản thân mình và đổ lỗi cho lý do cho thất bại của mình. Tại sao chúng ta không lấy những người xuất thân giàu có để làm động lực vươn lên?
Bản thân tôi, tuy được ba mẹ chăm lo từ nhỏ, nhưng rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn lại hơn tôi về học thức và địa vị. Thế nên thật khó để nói ai hơn ai?
Có điều, nếu ai sở hữu đủ ba thứ: lựa chọn, cơ hội và ý chí, thì tôi tin người đó sẽ thành công. Lựa chọn tạo ra cơ hội và ý chí giúp đẩy cơ hội đó đi xa hơn. Mỗi chúng ta đều có thể lựa chọn, và dùng ý chí tiến xa, còn xa đến đâu là do bản thân mỗi người. Đừng quá để ý đến cuộc sống của người khác, hãy quan tâm tới cơ hội của chính mình nhiều hơn. Nghèo không phải là lý do thất bại.
>> Bạn đã vượt qua khó khăn để định hướng, thay đổi cuộc đời như thế nào?Gửi bài tại đây.