Tôi năm nay 30 tuổi, rời buôn làng để xuống Sài Gòn học tập rồi làm việc đã hơn 10 năm. Từng có cuộc sống nghèo khổ và giờ cuộc sổng ổn hơn, dù chưa giàu có, nhưng tôi cũng từng trải qua những khó khăn vấp ngã trong cuộc sống, từng gặp gỡ quen biết nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, tuy kinh nghiệm sống không nhiều nhưng cũng đủ giúp tôi nhận ra một điều: nghèo có thể do hoàn cảnh hoặc do lười lao động, giàu cũng có thể nhờ năng lực bản thân hoặc may mắn. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải tiền nhiều hay ít mà là đạo đức làm người.
Ba mẹ tôi là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa khu vực Tây Nguyên. Ba mẹ không biết chữ, chỉ nói được vài câu tiếng phổ thông. Quanh năm, cả hai chỉ ở trong buôn làng, chưa bao giờ đi đâu xa, không có điện, không có cơ hội tiệp cận những kiến thức và những tiến bộ của khoa học, công nghệ. Ba mẹ tôi làm việc rất chăm chỉ nhưng nghèo đói vẫn cứ nghèo đói.
Bắt đầu từ năm 2000, nhà nước bắt đầu có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ: làm đường, cung cấp điện, giống cây trồng, xây đập nước... Kinh tế gia đình tôi khá hơn nhưng cũng chỉ đủ ăn, không giàu. Lúc tôi đi học mẫu giáo, nhiều lần trốn về nhà vì không thích học, cô giáo nói tiếng Việt phổ thông, còn tôi nói tiếng dân tộc K'Ho. Tôi không hiểu cô nói gì, cô càng không hiểu tôi nói gì. Nhiều lần tôi bị cô đánh (rất đau, đôi bàn tay sưng đỏ) vì không hiểu lời cô.
Những năm cấp một, tôi học rất giỏi môn Toán, nhưng lại rất tệ môn Tiếng Việt, viết chính tả, làm văn. Do vốn từ phổ thông ít, tôi gặp khó khăn trong việc viết văn. Có lần, tôi không biết diễn tả ý của mình bằng tiếng phổ thông thế nào nên viết bằng tiếng dân tộc, rồi bị cô phạt. Sang cấp hai, ba, tôi nói rành tiếng Việt và học khá giỏi, luôn nằm trong top học giỏi nhất của lớp.
Trường cấp ba ở rất xa nhà, trường không có ký túc xá, nên tôi phải thuê trọ gần đó với giá 200 nghìn/ tháng, đó là một số tiền rất lớn đối với bố mẹ tôi lúc đó. Tiền học, tôi được miễn giảm, chỉ phải đóng ít, sách mượn lại của nhà trường... Và cứ thế, bố mẹ làm bao nhiêu tiền cũng chỉ đủ để lo cho chị em tôi ăn học, ngoài ra không có vốn để phát triển kinh tế, vay vốn ngân hàng cũng không được. Vậy là bố mẹ tôi vẫn nghèo.
>> 'Tiết kiệm chỉ để không nghèo'
Khi xuống Sài Gòn học, tôi đi xin làm gia sư. Tôi bị từ chối vì lý do tôi là người dân tộc thiếu số, dù đã đưa họ xem học bạ để chứng minh mình đủ khả năng. Nhiều người không xem mà ném thẳng học bạ của tôi xuống đất. Tôi xin làm thu ngân ở siêu thị, nhưng cũng không được nhận vì ngoại hình gầy gò, đen đúa không ưa nhìn. Trong suốt những năm tháng sinh viên, tôi chỉ có thể xin được việc làm thêm: rửa chén, phát tờ rơi. Công việc không phân biệt dân tộc, không đòi hỏi ngoại hình, nhưng vất vả và lương thấp. Tôi không có thời gian và tiền để đi học thêm Tiếng Anh hay tin học ở các trung tâm. Những lúc rảnh, tôi chỉ biết cầm sách tự học.
Khi ra trường xin việc, tôi không được nhận vào làm vì một trong các lý do: ngoại hình không đẹp, không có chứng chỉ tin học và Tiếng Anh, không có kinh nghiệm... Nhiều lần như thế, tôi quen dần với việc đó và không còn cảm giác bị tổn thương nữa. Sau này, khi đi làm có tiền rồi, tôi có thể mua sắm quần áo, làm đẹp, nên khi nhảy việc, đi xin việc công ty khác cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với lúc mới ra trường.
Cuộc sống trở nên khó khăn, tuyệt vọng khi tôi mới sinh con (làm mẹ đơn thân). Khó khăn này là do lỗi của bản thân tôi, chứ không phải do hoàn cảnh đưa đẩy, Chính xác là do sự lựa chọn sai lầm của tôi. Sau đó, tôi đi xin việc lại, nhưng hầu hết những nơi tôi đi phỏng vấn đều không nhận vì tôi đang có con nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến công việc. Tôi lại đi làm đủ thứ việc lao động tay chân để "chữa cháy" trong thời gian chưa xin được việc.
Tôi có thể bắt đầu lại cuộc sống tốt hơn là nhờ có bằng cấp, có trình độ, có kinh nghiệm, có một chút ngoại hình. Nhưng có những người mẹ đơn thân khác lại không được may mắn giống vậy. Họ chật vật mãi với bài toán cơm, áo, gạo, tiền.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.