Đọc nhiều bài viết về câu chuyện lương bác sĩ và thái độ của nhân viên y tế bệnh viện công, tôi biết thể nào cũng có người lý luận theo kiểu "làm không được thì nghỉ" để phản bác. Họ chỉ đứng ở vị trí của mình, đòi hỏi dịch vụ y tế phát chất lượng chuẩn "năm sao", trong khi chi phí khám chữa bệnh cũng phải thật rẻ.
Các bạn hãy thử đăng ký làm tình nguyện ở các bệnh viện công lớn (nhất là khu cấp cứu) từ vài tháng đến một năm để trải nghiệm phần nào những thứ mà các y bác sĩ đã phải chịu đựng trong rất nhiều năm. Nếu sau một năm, bạn vẫn có thể tiếp đón hàng trăm bệnh nhân sầu khổ mỗi ngày với thái độ vui vẻ, niềm nở, tận tình thì những gì các bạn chê bai nhân viên y tế mới có giá trị. Và tôi rất hy vọng bạn tiếp tục công việc tình nguyện đó để giúp đỡ phần nào sức lực cho lực lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Còn nếu không làm được thì với tôi, các bạn chỉ đang chê bai cho sướng miệng trên vị trí của mình, mà không có sự cảm thông cho sự vất vả của nhân viên y tế. Và cũng xin đừng ai đem những nghề nghiệp khác ra để so bì với nghề y, bởi nó rất khập khiễng. Người học y tốn 12 năm phổ thông học thật giỏi, mất thêm sáu năm đại học với mức học phí không rẻ một chút nào, rồi sau đó là ít nhất bốn năm học thêm nữa mới có thể "miễn cưỡng" thăm khám cho bệnh nhân.
Với hàng trăm bệnh nhân trong một ngày, mỗi bệnh nhân chỉ có khoảng 2-3 phút để thăm khám (do bệnh viện luôn quá tải). Vậy nếu bác sĩ ngồi giải thích kỹ lưỡng cho từng bệnh nhân thì những người đến sau sẽ không có cơ hội được khám bệnh. Vậy đó là lỗi của bác sĩ hay sao? Lượng bác sĩ vốn đã ít, chúng ta biết điều tiết thế nào đây? Không lẽ bắt bác sĩ phải làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm đến đêm khuya để phục vụ tận tình cho tất cả người bệnh. Vậy có khác gì bóc lột sức lao động của họ không? Tôi cho rằng đó mới là điều đáng lên án nhất.
>> Tìm công bằng cho lương bác sĩ
Trước kia, tôi cũng có đi khám ở bệnh viện công nhiều lần, cũng gặp các trường hợp bác sĩ như nhiều người phản ánh. Nhưng thay vì tỏ ra khó chịu với họ, tôi luôn cố gắng hiểu cho tình trạng quá tải của các y bác sĩ. Thành ra, tôi luôn chịu khó tự đọc các biển chỉ dẫn mỗi khi đi khám, hạn chế tối đa làm phiền nhân viên y tế vì những chuyện không phải chuyên môn của họ.
Thực tế, chẳng có đất nước văn minh, tiến bộ nào mà lương giáo viên hay bác sĩ lại thấp hơn mức sống trung bình cả. Ở các nước phát triển, bác sĩ chỉ phải tập trung chuyên môn ở bệnh viện. Thời gian còn lại, họ sẽ được nghỉ ngơi, hồi sức hay nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ của bản thân. Có như vậy, họ mới ngày một giỏi hơn trong nghề. Mức lương và chế độ đãi ngộ mà họ được nhận cũng rất cao. Còn ở ta, lương bác sĩ không đủ sống, thì họ buộc phải tìm cách "cày cuốc", kiếm thêm bên ngoài để không bị đói. Đó là sự khác biệt giữa nước ta và các nước phương Tây.
Chính sách không thể thay đổi một sớm một chiều. Trong khi đó, chúng ta có thể bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ như: hạn chế người thân trong khu vực cấp cứu, hạn chế hành hung nhân viên y tế, có cái nhìn cảm thông hơn cho những việc làm của y bác sĩ... Đừng đòi hỏi họ phải niềm nở, ân cần khi có cả trăm bệnh nhân cần thăm khám mỗi ngày. Bản thân các y bác sĩ cũng phải đối mặt với hàng trăm gương mặt mệt mỏi và đau đớn. Đừng đòi hỏi dịch vụ quốc tế khi đi khám ở bệnh viện công. Làm được như vậy là chúng ta đã phần nào giúp lực lượng y tế dễ thở hơn một chút rồi.
Nghề nào cũng cao quý, đúng. Công nhân vệ sinh cũng rất quan trọng, đúng luôn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng ta được quyền hạ thấp giá trị của nghề y. Thực ra, nhà nước hoàn toàn có thể thả cho ngành Y tế làm theo cơ chế kinh tế thị trường. Đó là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ. Nhưng vì sao chúng ta không làm vậy? Đó là bởi vì chúng ta muốn xã hội hóa y tế, cho người thu nhập thấp được tiếp cận với hệ thống y tế chất lượng. Đó có thể xem như là sự hy sinh của hệ thống y tế công lập vì sự nhân văn. Vậy sao chúng ta lại không chịu đồng cảm với các y bác sĩ, thậm chí còn quay lại chỉ trích, đòi hỏi họ phải thế này, thế kia?
Quan điểm của tôi rất rõ ràng xuyên suốt loạt bài về tình trạng hành hung nhân viên y tế, đó là: nếu bạn muốn được phục vụ dịch vụ y tế tốt nhất, đạt chuẩn quốc tế, hãy đến các bệnh viện tư; còn khi đã đến bệnh viện công, viện phí giá rẻ, hãy chuẩn bị tâm lý đón nhận những tiêu cực từ hệ quả nhân viên y tế bị quá tải, lương thấp, môi trường làm việc áp lực. Nói tóm lại là tiền nào của đó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.