Tôi đã ở tuổi U70, từng là cán bộ nhà nước, hưởng được nhiều chế độ và ưu ái của chính sách y tế. Bảo hiểm y tế chính là cứu cánh của những công chức như chúng tôi, vì nhờ đó mà tôi và nhiều người được chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là gương mặt của nhiều nhân viên y tế, kể cả bác sĩ công, lúc nào cũng lạnh toát như băng. Đôi khi tôi không dám thở mạnh vì sợ băng tan, tuôn ra toàn nước nóng.
Tôi đồng tình rằng hành hung nhân viên y tế hay bác sĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là không đúng, vì dù sao họ cũng đem lại cho chúng ta sức khỏe, bản thân họ lại phải chịu nhiều áp lực nhiều mặt. Tôi quý trọng ngành Y tế vì đó là nhiệm vụ rất vất vả và khó thực hiện, trách nhiệm cao... Một nghề phải dùng những từ cao quý để diễn tả như thế, nhưng một vài con sâu đã làm rầu nồi canh. Thậm chí, bây giờ "sâu" nhiều nên mới có nhiều trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung.
Ông bà ta có câu: "Không có lửa thì sao có khói". Tôi đã gặp nhiều trường hợp bác sĩ ở phòng khám công trong bộ y phục đẹp, luôn nở nụ cười kiêu kỳ, nói chuyện nhẹ nhàng, khám bệnh thì ít, nhưng đi qua đi lại như biểu diễn thời trang, nói chuyện phiếm thì nhiều.
>> 'Ai cũng đòi được bác sĩ ưu tiên'
Lần khác, tôi đi khám tư, bị kết luận mí mắt có đóng vôi, nhưng vì có bảo hiểm y tế nên bác sĩ khuyên tôi vào viện lấy ra cho đỡ mất tiền. Hôm sau, vào bệnh viện, bác sĩ khám qua loa kết luận rằng mắt tôi bình thường. Tôi phải lấy kết quả khám tư ra cho xem, bác sĩ mới khám lại rồi thừa nhận có vôi trong mắt. Nhưng vì tôi đi một mình nên bác sĩ nói không thể làm được.
Tôi về hỏi lại bác sĩ tư về thủ tục lấy vôi mắt. Vậy là bác sĩ phòng khám tư làm vệ sinh mắt, rồi lấy vôi mắt chỉ trong vòng vài giây là xong. Những việc thế này thực sự khiến tôi mất lòng tin vào y tế công. Khám tư thì tốn tiền nhưng nhanh gọn, còn vào bệnh viện công tuy không tốn tiền nhưng họ lại không làm, tôi biết chọn ai đây?
Có lần, mẹ tôi trên 80 tuổi bị ngã. Tôi đưa bà vào bệnh viện tỉnh từ sáu giờ sáng, nhưng phải tới chín giờ tôi mới làm xong thủ tục để vào phòng cấp cứu. Nhân viên y tế cho mẹ làm nhiều thứ xét nghiệm chuyên môn rồi yêu cầu ngồi chờ. Cả nhà tôi lo lắng, chờ đợi đến tận bảy giờ tối, mới có bác sĩ cầm hồ sơ bệnh án lại khám. Xong xuôi, tôi đứng cạnh bác sĩ, bên băng ca cấp cứu của mẹ và hỏi: "Thưa bác sĩ, mẹ tôi có sao không?". Hỏi đến ba lần, vị bác sĩ vẫn im lặng, mặt lạnh như tiền, rồi đứng dậy bỏ đi về phòng trực mà không nói lời nào.
Lúc ấy, thú thực bản thân tôi giận điên người, muốn quậy tung phòng bệnh lên để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng rồi, tôi chợt nghĩ lại rằng mình đi trị bệnh chứ đâu phải đi gây lộn, nên tôi chỉ lấy điện thoại và gọi thẳng cho Giám đốc bệnh viện (tôi quen vị này nhưng ngại nhờ vả nên không liên lạc ngay từ đầu). Năm phút sau, cũng chính vị bác sĩ kia gọi đưa bà qua phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi (một bệnh nhân một phòng). Tôi nghĩ bụng, nếu không phải nhờ quan hệ, quen biết thì đến bao giờ mẹ tôi mới được ngó ngàng tới?
Lần khác, tôi bị nhiễm Covid-19 lần đầu, lo sợ đủ điều, gọi điện nhờ y tế đến nhà nhưng mãi không thấy. Vậy là tôi lại lóc cóc chạy lên trạm y tế. Trạm có hai người trực, họ nói tôi ngồi chờ. Khai báo xong, tôi đợi khoảng nửa tiếng mới có bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn tới thăm khám. Người này đứng cách tôi khoảng ba mét nên tôi hầu như không nghe được. Tôi phải hỏi lại rất nhiều, khiến người này khó chịu: "Chị biết tôi mệt lắm không?".
Nghe vậy, tôi nghĩ thầm trong bụng "tại chị chọn nghề chứ đâu phải tôi chọn thay chị đâu?". Thông cảm cho mùa dịch, các thiên thần áo trắng cực khổ, tôi chỉ biết im lặng, sợ nói lớn "thiên thần" lại bỏ đi luôn thì khổ. Thế rồi, người ta bỏ tôi luôn thật. Trở về nhà theo dõi, mãi bảy ngày sau họ mới phát cho tôi hai vỉ thuốc hạ sốt, hai vỉ Vitamin C. Bệnh tình đã đỡ nên tôi không nhận, nhưng họ vẫn ép ký tên cho đúng quy định.
Và còn nhiều lắm những thức chướng tai, gai mắt mà tôi không thể kể ra hết ở đây. Nói vậy để thấy rằng, ngành Y bây giờ đã có những chuyện nhà trường thì tăng học phí, người học đầu tư cũng cốt để ra trường mở phòng khám kiếm tiền bù lại. Câu chuyện y đức trong bối cảnh kinh tế thị trường rồi sẽ ra sao?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.