Tôi đồng tình với các ý kiến trong bài viết "Trút giận lên bác sĩ vô cảm". Cả nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân đều có những góc nhìn riêng xung quanh câu chuyện này, nên lý lẽ của mỗi bên sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có một thực tế mà cả hai phía đều thấy mà chưa nêu ra, đó là ứng xử của nhân viên y tế ở ta phần lớn vẫn chưa chuyên nghiệp, vấn đề ở đây không liên quan đến lương cao hay thấp.
Thay vì bỏ mặc bệnh nhân và người nhà của họ ở đó, nhân viên y tế hoàn toàn có thể giải thích rõ cho người bệnh hiểu về tình trạng sức khỏe của mình để họ yên tâm chờ đợi. Tuyệt đối không nói chuyện phiếm, gọi điện thoại nói chuyện ngoài chuyên môn trước mặt bệnh nhân và người nhà của họ bởi nó sẽ châm ngòi cho những xung đột sau này.
Tôi từng ngồi ở phòng cấp cứu của vài bệnh viện ở các nước châu Âu, Mỹ và biết quy trình của họ rất rõ ràng, cụ thể:
Đầu tiên, sau khi người bệnh vào phòng cấp cứu và trình bày tình trạng bệnh, nhân viên y tế sẽ tiếp nhận và cho bệnh nhân làm thủ tục cần thiết để đo chỉ số sinh tồn, như đo huyết áp, cân nặng, chiều cao... Nếu cần, sẽ có bác sĩ đến khám nhanh và chuyển bệnh nhân đến nơi cần để ngồi, nằm theo dõi tiếp. Trước khi biết rõ bệnh, họ tuyệt đối không tiêm hay cho uống thuốc gì hết, mặc dù bệnh nhân có la, khóc hay vết thương hở có chảy máu (nhưng không nguy hiểm đến tính mạng).
Tiếp đó, bác sĩ sẽ đến, tự giới thiệu tên, hỏi thăm bệnh nhân một cách rất nhẹ nhàng, giải thích rõ ràng tình trạng bệnh và hướng xử lý để bệnh nhân và người nhà yên tâm. Việc người bệnh phải ngồi chờ ở phòng cấp cứu 4-5 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường trước khi được chuyển đi nơi khác hay cho về.
>> 'Vô cảm vì cứu bệnh nhân đột quỵ trước bệnh nhi hóc dị vật'
Ở các nước tôi từng đến, phòng cấp cứu chỉ là nơi cho khách vãng lai đến vì phần đông dân sở tại đều có bác sĩ gia đình và đi theo tuyến đó để được nhận lời khuyên chuyên môn chứ không phải ra phòng cấp cứu vì rất đông.
Một điều nữa, đó là nhân viên y tế không được phép dùng điện thoại (hay đưa cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân số điện thoại cá nhân) trong khi khám chữa bệnh, dù với bất cứ mục đích gì. Có hôm bác sĩ đang ngồi hỏi bệnh của tôi thì phải nghe điện thoại. Nghe xong, bác sĩ đó xin lỗi tôi vì người nhà đang cấp cứu, đó là một trường hợp cá biệt.
Có lần, tôi phải ngồi chờ đến quá giờ làm việc của một phòng khám nhỏ. Sau một ngày làm việc vất vả, tôi thấy nhân viên y tế đi lại với vẻ mặt mệt mỏi, nhưng mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân họ lại lập tức chuyển sang thái độ tươi tỉnh ngay lập tức. Đó là một sự chuyên nghiệp đáng nể.
Tóm lại, nhân viên y tế ở ta phải được rèn luyện về cách ứng xử với bệnh nhân và người nhà của họ một cách chuyên nghiệp như thế. Đấy cũng là cách mà một số bệnh viện tư ở Việt Nam đang làm. Họ coi đó như một phần trách nhiệm công việc, chứ không chỉ đơn thuần là trả lương cao mới làm. Tiếc rằng thái độ phục vụ đó lại chưa xuất hiện nhiều ở các bệnh viện công.
Mà không chỉ ngành Y, tôi cho rằng, tất cả các ngành dịch vụ khác cũng nên thay đổi theo hướng như vậy. Tôi rất khó chịu khi trước đây mỗi khi ra ngân hàng, nhân viên nhà băng cứ vừa đếm tiền (lúc đó chưa có máy) vừa nói chuyện với người khác, để mặc khách hàng chờ đợi. Một nhân viên dù giỏi chuyên môn đến mấy nhưng cách làm việc như vậy vẫn cho thấy một sự thiếu chuyên nghiệp, dễ tạo cho khách hàng cảm giác bất an.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.