Tôi tốt nghiệp Đại học chính quy, ngành Điều dưỡng, thời gian đi làm đến nay cũng bước sang năm thứ 10. Trong thời gian gần đây, đọc các bài viết nói về chuyện lương y bác sĩ không đủ sống, và tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng, tôi cũng muốn đóng góp chút ý kiến về vấn đề này.
Tôi không biết chế độ lương, đãi ngộ ở các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân ra sao, có đủ để nhân viên chúng tôi bám trụ, nhiệt huyết với nghề không, nhưng dù yêu nghề, nhiệt huyết tới mấy thì cũng phải đủ sống, đủ nuôi con... thì mới có thể nói tiếp được. Người ta có câu "Có thực mới vực được đạo" cũng là vì thế.
Tôi công tác tại một bệnh viện tuyến huyện, lương ngày bắt đầu đi làm cũng từ 2,34 triệu đồng. Tuy nhiên, tới nay, sau gần mười năm làm việc, tính cả ưu đãi ngành, trợ cấp độc hại, lương của tôi tới nay cũng chỉ 5,714 triệu đồng, tính thêm tiền trực cũng chỉ cao nhất 6 triệu đồng một tháng.
Ở tuyến cơ sở như chúng tôi, ngày nào họp giao ban, Ban giám đốc cũng nhắc tới xuất toán bảo hiểm y tế, tự thu tự chi, ngân sách giảm, khoảng một, hai năm nữa đơn vị sẽ không còn tiền để trả lương nhân viên. Trong khi đó, đã ba, bốn năm nay, chúng tôi không hề có một chuyến nghỉ dưỡng gì.
Nói là tiến tới tự chủ tài chính nhưng nhân lực y bác sĩ không đủ, máy móc đã cũ kỹ, bệnh viện xuống cấp. Mùa mưa, nhiều khoa phòng khám ẩm, mốc mọc đầy, nước đọng lại... Để cạnh tranh với các đơn vị phòng khám, bệnh viện tư mới mở thật sự rất khó khăn. Trong khi một số thủ thuật hoặc vật tư không thanh toán bảo hiểm được, tự lập bảng kê thu ngoài thì sợ sai, không có sự chỉ đạo không dám thu.
Ở tuyến huyện, nhiều bệnh nhân nghèo, không có tiền, bệnh viện lại phải miễn phí cho họ. Đêm trực, bệnh nhân say xỉn đánh nhau, phải khâu vết thương, Chụp X-quang các kiểu nhưng họ không đóng tiền. Bệnh viện lại chỉ có một bảo vệ trực, nhưng thường không dám làm gì, vậy là chúng tôi lại coi như mất.
Tôi đi sinh em bé ở tuyến trên, từng miếng bông gạc hay phát sinh gì, bệnh viện cũng thu rất đầy đủ. Còn tuyến dưới, khi thanh toán thủ thuật, vật tư sẽ không được thanh toán, trong khi tiền thủ thuật thu về tính ra không đủ để bù vật tư và phí trả nhân viên.
>> 'Bác sĩ 5 năm bươn chải không gỡ nổi vốn học Y'
Lương nhân viên y tế cơ sở có đủ sống không? Tôi dám nói là "không". Tôi sống tại khu công nghiệp, lương bình quân của công nhân khu vực này là 9-10 triệu đồng một tháng là bình thường, lương nhân viên quán phở tuyển người phụ cũng là 7 triệu đồng. Tức là người lao động chân tay cũng có lương cao hơn chúng tôi.
Đôi lúc, tôi nghĩ thầm, nếu không có chồng đồng hành để cùng nuôi con, lương của tôi liệu đã đủ chi cho bản thân chưa, chứ đừng nhắc tới nuôi con nhỏ. Nhân viên y tế tại khu vực phía Nam, đơn cử như bệnh viện của tôi, chủ yếu là người miền Bắc, miền Trung vào xin việc. Chúng tôi không có nhà cửa, đất đai gì, hàng tháng phải trả tiền thuê nhà đắt đỏ, mỗi lần xăng lên giá, lương tối thiểu vùng tăng, là chủ nhà trọ đều tăng giá nhà, sinh hoạt phí khác cũng tăng theo.
Trong khi đó, lương cơ sở tính cho viên chức đã bao nhiêu năm qua chưa tăng một lần. Lương thấp, giá nhà đất tăng cao, nghĩ tới tương lai không biết khi nào chúng tôi mới mua được nhà đất? Thực sự, nếu có cơ hội để chuyển việc, hoặc những ai là trụ cột gia đình, phải lo kinh tế, chắc chắn với mức lương hiện tại họ sẽ phải tìm việc làm thêm hoặc nhảy việc ra ngoài.
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhân viên y tế rất vất vả. Nhiều người đồng cảm và công nhận sự cố gắng của chúng tôi. Tuy nhiên, ngoài sự ghi nhận ấy, chúng tôi cũng cần được chi trả một mức lương xứng đáng hơn.
Hiện nay, một đêm trực cấp cứu 24h chỉ được trả 115.000 đồng - số tiền chưa đủ để chúng tôi ăn ba bữa, mua cà phê uống để thức cả đêm. Thế nên, trực về hai, ba hôm sau, chúng tôi vẫn mệt, nhưng chưa kịp lại sức đã lại tới ca trực mới. Rồi còn chuyện phải bỏ con nhỏ 12 tháng ở nhà để mẹ đi trực, nếu như không có ông bà hoặc người thân ở gần hỗ trợ, tôi không biết phải xoay thế nào?
Bệnh viện công tự chủ tài chính, trong khi không thể cạnh tranh với các đơn vị tư nhân xung quanh, xuất toán bảo hiểm... khiến bốn, năm năm qua, đơn vị chúng tôi không có phúc lợi, thưởng Tết cũng bọt bèo vài triệu đồng do tỉnh, huyện hỗ trợ. Trong khi khoảng thời gian đào tạo lâu, thời gian làm việc quá 48h một tuần, gắn bó cả chục năm trời, nhưng lương chưa đủ 6 triệu, môi trường làm việc lại áp lực, thậm chí không an toàn khi gặp các bệnh nhân say xỉn, nóng nảy... Những lý do trên khiến điều dưỡng chúng tôi dần chán nản, muốn tìm việc khác để không phải bỏ bê con cái, gia đình.
>> Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng
Đó là về điều dưỡng, còn các đồng nghiệp là bác sĩ thì số lượng nghỉ còn nhiều hơn rất nhiều, vì không thiếu đơn vị tư nhân chào đón họ, sẵn sàng chi trả mức lương xứng đáng. Họ học sáu năm vất vả, học phí ngày càng tăng, ra trường lương cũng bắt đầu tính như chúng tôi, thêm phụ cấp ưu đãi ngành cũng chỉ được 5-6 triệu đồng.
Trong khi đó, các công ty khu công nghiệp, các phòng khám, bệnh viện tư sẵn sàng chỉ trả 20-30 triệu đồng một tháng mời họ về làm việc. Chưa kể một số bác sĩ có nhiều kinh nghiệm tự mở phòng khám tại nhà, không phải lo kiểm tra nọ kia, không phải lo nhiều áp lực như bệnh viện công, không phải trực đêm mà thu nhập lại cao.
Trong thời gian qua, chứng kiến bao nhiêu đồng nghiệp viết đơn rồi nghỉ việc, tôi cũng không biết mình ráng trụ được bao giờ? Nếu như không có sự thay đổi về chính sách, cơ chế đãi ngộ, tôi nghĩ chắc sẽ còn nhiều nhân viên y tế như chúng tôi nộp đơn nghỉ việc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.