Đọc bài viết "Tôi đi cấp cứu ở bệnh viện Tây", tôi cũng muốn chia sẻ đôi điều về trải nghiệm dịch vụ y tế của mình tại phương Tây. Tôi không nằm viện bên Tây, nhưng cấp cứu thì có. Nhiều người có lẽ đọc những tin tức về ngành y tế Mỹ qua dịch Covid-19 sẽ thấy khó hiểu và cảm thấy ngành Y tế bên họ thật kỳ lạ về cách xử lý dịch bệnh. Nhưng thực tế, quy trình làm việc của họ vẫn vậy từ trước đến nay, ca nào nặng lắm mới ở lại viện, còn không thì chỉ ở nhà và điều trị với bác sĩ gia đinh.
Cũng vì thế mà bệnh viện của họ rất hiếm khi quá tải, càng ít có chuyện một giường bệnh có nhiều hơn một bệnh nhân như ở ta. Trong đại dịch, khi y bác sĩ quá tải, họ một mặt vẫn tuân thủ tinh thần lương y, một mặt đứng lên đấu tranh rất nhiều để đòi lại quyền lợi chính đáng của bản thân.
Còn ở Việt Nam, nhất là tuyến trên, y bác sĩ của ta gần như luôn trong tình trạng quá tải, bất kể có dịch bệnh hay không.
Tôi của ngày xưa cũng chê trách bác sĩ công ở ta rất nhiều, rằng sao mà họ lạnh lùng quá? Nhưng sau khi đi sang trời Tây, tôi mới nhận ra rằng, tuy nhân viên y tế Việt có hơi lạnh lùng, vô cảm, nhưng không phải tự nhiên mà họ có thái độ vậy.
Xét số lượng y bác sĩ trên đầu người, chỉ tính riêng chỉ tiêu của ngành Y tế là một bác sĩ và hai điều dưỡng trên 1.000 dân, có thể thấy nhân lực của ta vẫn chưa đáp ứng đủ. Không tính đến thế giới, lượng bác sĩ trên 1.000 dân năm 2021 là 0.88, điều dưỡng và hộ sinh năm 2020 lần lượt là 1,148 và 0,313 người. Trên lý thuyết mỗi giường bệnh có 0.395 điều dưỡng phụ trách, trong khi tỷ lệ trên thực tế là 0.304. Điều đó cho thấy rằng số giường bệnh luôn ở mức quá tải nếu dựa theo lý thuyết, đó là chưa tính đến số ca bệnh không cần điều trị nội trú, số này nhiều vô kể.
Đáng chú ý nhất, lượng điều dưỡng trình độ cao ở ta chỉ chiếm 4% tổng số, đa phần điều dưỡng (hay y tá) ở ta đều có trình độ thấp, đồng nghĩa với chuyên môn không cao. Nếu cào bằng, số lượng điều dưỡng trên bác sĩ hiện nay là 1,82 - thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến thế giới.
Về bác sĩ, lượng bác sĩ tính trên đầu người ở ta có lẽ chỉ nhỉnh hơn Indonesia, bằng một phần ba Trung Quốc, gần bằng một phần tư tại Mỹ và hơn một phần sáu với Australia. Lượng bác sĩ đã thiếu, tỷ lệ giữa điều dưỡng với bác sĩ lại càng thiếu hụt, chất lượng điều dưỡng lại thấp... thế nên bất cập và quá tải gần như không thể tránh khỏi, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách công bằng, và tôi kịch liệt phản đối những ai thông cảm cho những người hành hung bác sĩ.
>> 'Ai cũng đòi được bác sĩ ưu tiên'
Tôi sẽ lấy ví dụ về một trong những bệnh viện đa khoa hoàn thiện đầu tiên tại Việt Nam - bệnh viện Bạch Mai - nơi có khoảng 2.000 nhân viên y tế thường trực với một nửa là điều dưỡng và kỹ thuật viện trình độ trung cấp trở xuống, 2.000 cán bộ là giảng viên đại học Y và quản lý chuyên môn tại bệnh viện. Với khoảng 2.165.000 bệnh nhân mỗi năm, nếu tính mỗi bệnh nhân chỉ đi viện một lần, nếu tính cả thứ bảy và chủ nhật, thì mỗi ngày, bệnh viện đón đã có gần 6.000 lượt khám bệnh, với 23 khoa lâm sàng và sáu khoa cận lâm sàng, mỗi khoa tiếp nhận khoảng 260 bệnh nhân. Còn nếu tính thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ, thì mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 8.500 bệnh nhân. Tức là tỷ suất phục vụ của giường bệnh là 153%, trong khi lý thuyết chỉ là 85% với khoảng 165.000 ca bệnh nội trú mỗi năm.
Các con số đương nhiên không biết nói dối. Ta thấy rằng, tại một cơ sở y tế được coi như hoàn thiện như bệnh viện Bạch Mai, lượng điều dưỡng chuyên nghiệp cũng không hề cao, bệnh viện hàng ngày vẫn quá tải, bác sĩ thì bù đầu với các ca bệnh, còn bệnh nhân cũng không có đủ giường bệnh để nằm điều trị. Vậy những bệnh viện khác trên cả nước còn thế nào?
Nhiều người kêu ca nhân viên y tế Việt không chuyên nghiệp, điều đó đúng, bởi 96% điều dưỡng ở ta là người không chuyên nghiệp, đã vậy nhưng bệnh viện công vẫn luôn thiếu nhân viên y tế, trong khi một lượng lớn y bác sĩ đang tháo chạy khỏi viện công. Bây giờ, có lẽ chỉ còn lại những người có tâm với nghề và người chưa đủ trình độ (chưa có chứng chỉ hành nghề vì chưa đủ thời gian thực tập hoặc không đủ khả năng ra viện tư) là còn ở lại với y tế công, một số khác có lẽ cảm thấy vừa làm công vừa làm tư nên vẫn ổn.
Thực tế đó cho ta thấy rằng, dù kêu ca tới đâu thì chất lương y tế công của ta cũng không thể tốt lên với tình hình hiện tại. Nhưng câu nói theo kiểu "chê lương thấp thì nghỉ" hay "tiền ít nhưng vẫn phải có tâm với nghề" giờ đã không còn mang tính thách thức. Người giỏi vân đang tháo chạy từng ngày.
Vậy ngành y tế công có bết bát không? Tôi cho là có. Chất lượng phục vụ kém không? Đúng là kém thật. Nhưng bết bát hay kém cỏi không phải nguyên nhân để bao biện cho thói côn đồ, hành hung bác sĩ.
Bác sĩ, trong những trường hợp bị đánh, đa phần là những người làm cấp cứu, luôn gần như kiệt sức vì quá tải, chứ không phải bác sĩ các khoa lâm sàng khác. Người ta hay chống chế rằng, lúc người nhà họ đau đớn mà bác sĩ không để ý, hay bác sĩ không sốt sắng với bệnh nhân, để nói rằng bác sĩ vô cảm, lấy lý do đó để hành hung nhân viên y tế. Ngoài đời, những kẻ có máu côn đồ sẵn, chỉ cần khiêu khích vài câu là chúng đã nổi máu và trường hợp này nhan nhản. Vậy sao chỉ có việc hành hung bác sĩ là lại được nhiều người thông cảm như thế?
Đó là vì họ luôn nghĩ mình phải là thượng đế dù nền y tế công có chất lượng điều dưỡng thấp, quanh năm quá tải, còn thiếu nhân lực. Thậm chí, nhiều suy nghĩ của họ còn ghê gớm hơn những người thừa hưởng phục vụ từ những nền y tế tối tân của thế giới. Ví dụ như ở Mỹ, tôi muốn phẫu thuật gì có khi cần cả mấy tháng chờ đợi. Nhưng ở Việt Nam, bác sĩ bắt bệnh nhân đợi 30 phút có khi đã bị động tay động chân.
Vì nhiều bất mãn một cách vô lý đi kèm với vài bất mãn có lý, họ ủng hộ và cảm thông với những tên côn đồ như một cách "dằn mặt" nhân viên y tế mà không biết rằng hành động của họ chỉ khiến chất lượng y tế công ngày càng kém.
Tôi đọc nhiều chia sẻ của những cá nhân bất mãn với y tế, xin tóm tắt lại nhữưng điều có lý và vô lý như sau. Có lý là khi nhân viên y tế làm việc riêng trong giờ làm. Còn chuyện vô lý thì rất nhiều:
Mọi bác sĩ (không cần biết chuyên khoa gì) thấy bệnh nhân đang đau mà lướt qua thì đều là vô cảm cả, kể cả đã có nhân viên y tế nói với người nhà bệnh nhân là chưa đến lượt. Ở ta, bác sĩ chuyên khoa chiếm phần lớn nhân lực trình độ cao, bệnh viện cũng có phân công lao động cả, không bác sĩ chuyên khoa nào được đi khám bệnh cho bệnh nhân không thuộc chuyên môn của mình, trách nhiệm của mỗi bác sĩ khác nhau là khác nhau.
Trong khi đó, bệnh nhân và người nhà luôn có suy nghĩ là mọi bác sĩ đều phải phục vụ mình, phải tỏ thái độ thân thiện như đối mặt với "thượng đế", phải nhẹ nhàng giải thích tường tận cho đến khi họ hiểu. Xin thưa, bác sĩ hằng ngày phải nhìn mấy chục mấy trăm ca bệnh nguy kịch, mà ai cũng đòi họ phải đồng cảm, niềm nở, thì có khi nhân viên y tế "đi" trước cả bệnh nhân. Bản thân tôi cũng khó chịu vì phải chờ đợi, nhưng nếu bạn thích nhanh thì hãy ra viện tư, ở đó đôi khi bạn vẫn phải xếp hàng thanh toán, huống hồ viện công với người bệnh rất nhiều, việc bạn phải chờ lâu là đương nhiên. Mà kể cả viện tư thì bạn cũng phải làm thủ tục mất cả đống thời gian.
Nhân viên y tế không những phải chữa bệnh mà còn phải "chữa" luôn cả người nhà bệnh nhân, đây là yêu cầu tôi thấy buồn cười nhất. Chỉ riêng chuyện chữa bệnh không mà ngành y đã quá tải, thì kiêm nhiệm thêm cái chức năng này, còn thế nào nữa? Trong khi tất cả các bệnh viện đều lắp đặt chế độ ưu tiên tại các phòng cấp cứu và nhân viên tiếp nhận, nhưng với tâm lý "vào viện mình là thượng đế", chúng ta thường không đọc bảng chỉ dẫn, cũng chẳng thêm nghe lời nhân viên hướng dẫn, luôn đòi bác sĩ ra gặp trực tiếp. Tôi xin nhắc lại là bác sĩ không rảnh rỗi, mà nếu có thì cũng đa phần không phải bác sĩ đúng chuyên khoa để tư vấn cho bạn.
Ai cũng nói nhân viên y tế không đáp ứng được nhu cầu của họ, nhưng thú thực, những yêu cầu đó chắc chỉ có người nhà của họ vào phòng cấp cứu luôn mới đáp ứng được. Có người về nhà, đọc trên mạng thấy thuốc được kê không như tưởng tượng, liền thấy bất mãn với bác sĩ. Nếu bạn thấy tự mò được thuốc trên mạng và nó uy tín hơn bác sĩ thì bạn có thể khỏi vào viện luôn. Trường hợp bác sĩ kê khống thuốc không phải không có, nhưng tin tưởng mớ kiến thức trên mạng hơn bác sĩ, thay vì đối chiếu với một bác sĩ khác có chuyện môn, thì tôi cho rằng bạn khỏi cần vào viện cho phí công chờ khám.
>> 'Vô cảm vì cứu bệnh nhân đột quỵ trước bệnh nhi hóc dị vật'
Có người thấy người thân mình nguy cấp quá, nhưng bác sĩ bảo không liền bất mãn. Chuyện sinh tử của những bệnh nhân cần cấp cứu tính trên thang phần trăm chứ không phải nhị nguyên là 0 và 1. Với điều kiện vật tư và nhân lực có hạn thì người ta luôn ưu tiên cái nguy kịch hơn trước. Tất nhiên là như vậy thì luôn có rủi ro là chuyện đáng tiếc xảy ra. Nhưng nguyên nhân khách quan thì bác sĩ có lỗi gì? Họ đâu thể phân thân được? Thay vì chê trách họ, sao bạn không đến viện tư cho nhanh?
Bác sĩ cầm điện thoại hay nói chuyện với nhau bất kể vì lý do gì cũng bị nhiều người coi là thờ ơ, tắc trách. Vậy thử hỏi bây giờ có ca bệnh cần điều thêm nhân lực hỗ trợ, thì người ta nhắn tin, gọi điện hay điều người đi thông báo nhanh hơn? Nhân viên y tế trao đổi thông tin chuyên môn với nhau chẳng lẽ cũng không được? Hoặc giả sử giờ đó là giờ nghỉ của người ta thì sao?
Bác sĩ đòi thanh toán tiền trước khi phẫu thuật cũng bị xem là vô tâm với người nghèo. Chuyện này cũng như làm từ thiện. Ở Mỹ, phẫu thuật không cần giai đoạn này vì bệnh nhân không có tiền cũng không phải việc của bác sĩ. Còn ở ta, bệnh nhân "quỵt tiền" thì bác sĩ kíp đó phải tự bỏ tiền ra.
Có người còn đòi bác sĩ phải nâng cao nhận thức về y tế cho người nhà bệnh nhân. Vẫn câu cũ, trách nhiệm của bác sĩ chẳng liên quan gì đến việc trấn an những người không liên quan.
Tất nhiên, thái độ phục vụ của y bác sĩ viện công của ta ngày càng xuống cấp, điều đó ai cũng thấy. Tuy nhiên, tôi cũng đã nói rằng, 96% điều dưỡng hiện nay ở ta không phải chuyên nghiệp và lực lượng này chiếm hai phần ba tổng số nhân viên y tế công. Do vậy, đương nhiên họ không thể phục vụ bạn như "thượng đế" được. Người nhà bệnh nhân càng hung hăng thì chỉ càng có thêm nhân viên y tế tháo chạy hơn thôi, chứ không giải quyết được vấn đề gì.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.