TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ăn gì phòng ngừa đột quỵ là vấn đề được nhiều người quan tâm vì nguy cơ đột quỵ đang có xu hướng gia tăng.
Trước đây, nhiều người thường nghĩ đột quỵ không thể phòng tránh nhưng y học đã chứng minh, ăn uống lành mạnh góp phần hạn chế nguy cơ. Với người từng đột quỵ, chế độ ăn khoa học góp phần quyết định bệnh nhân hồi phục nhanh hay chậm, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Người bị tăng huyết áp cần có chế độ ăn nhạt, hạn chế muối. Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế thực phẩm chứa bột, đường, carbohydrate vì có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết. Người bệnh gút phải thực hiện chế độ ăn có purin dưới 500 mg mỗi ngày... Tùy theo từng đối tượng, bác sĩ có thể đưa ra bảng chế độ ăn phù hợp. Với bảng định lượng đó, bệnh nhân biết được mình cần kiêng gì, ăn gì.
Người chưa bị đột quỵ hay lớn tuổi đang cần quan tâm đến sức khỏe lưu ý ăn nhạt hơn để phòng tránh tăng huyết áp. Nhóm người này cần kiêng chất mỡ bão hòa, nội tạng động vật, da, mỡ, đồ chiên xào... Ăn theo chế độ Địa Trung Hải cũng là một lựa chọn tốt vì nhiều rau, củ quả tươi, có lượng chất xơ cần thiết và giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Bữa ăn cần hạn chế chất béo bão hòa, thực phẩm giàu cholesterol. Bởi cholesterol xấu tăng cao là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ. Ưu tiên thực phẩm có chứa lượng đường thấp hoặc không chứa đường. Người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn. Các loại nguyên liệu tươi rất tốt cho sức khỏe, hạn chế các loại thức ăn vặt như khoai tây chiên, bánh quy, gà rán...
Đối với người đã bị đột quỵ, bác sĩ Minh Đức lưu ý quan tâm đến chế độ dinh dưỡng ăn vào mỗi ngày để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, người bệnh nên ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm như ăn ít nhất 5 loại trái cây và rau quả mỗi ngày. Người bệnh có thể ăn các loại rau sống, rau luộc, canh, uống nước ép trái cây nếu khó nuốt hoặc ăn trái cây tươi, miễn sao đảm bảo tối thiểu 5 loại trái cây và rau củ quả trong một ngày.
Người từng đột quỵ cần ăn thực phẩm có nhiều màu sắc, với chế độ ăn cầu vồng bao gồm nhóm thực vật màu đỏ, màu cam và vàng, màu xanh, màu xanh dương và tím. Để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát, người bệnh nên ăn các loại trái cây chứa nhiều kali tốt cho hệ tim mạch như bơ, sầu riêng, mít, thanh long, chuối, cam, các loại rau có chứa kali bao gồm bông cải xanh, củ dền, rau ngót, rau mồng tơi...
Bác sĩ Minh Đức cho biết thêm, bên cạnh ăn uống, mỗi người dù có bệnh hay không có bệnh cần có chế độ vận động thích hợp. Tập vừa sức để khỏe mạnh, không nên gắng sức quá. Người trưởng thành có thể đi bộ từ 30-60 phút mỗi ngày để sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, tốt cho xương khớp và tránh béo phì.
Mỗi người cần lắng nghe cơ thể khi có những bất thường như tăng cân quá mức hoặc sụt cân bất ngờ... Bởi béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Mỗi người nên giữ cân nặng phù hợp thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu cao 1,5 m nên giữ cân nặng ở mức 48-50 kg. Nếu cao 1,6 m thì cân nặng ở mức 57- 60 kg. Số đo vòng bụng của người phụ nữ không nên quá 80 cm và của đàn ông không nên hơn 90 cm. Hạn chế béo bụng, thừa cân giúp giảm nguy cơ mỡ máu cao, đột quỵ.
Khám bệnh, tầm soát định kỳ về sức khỏe tổng quát có thể phát hiện ra một số bệnh rối loạn lipid máu, đái tháo đường... để ngăn ngừa đột quỵ, với mục tiêu "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Hoàng Bình