Ngày 8/3, tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng chế độ ăn uống kiểm soát đường huyết rất quan trọng với người tiểu đường. Tuy nhiên, thay đổi chế độ dinh dưỡng đột ngột, buộc phải kiêng nhiều món yêu thích, ít carbohydrate và ít vị ngọt hơn... khiến người bệnh khó thích nghi, dễ bị áp lực tâm lý.
Thời gian đầu phát hiện tiểu đường, người bệnh thường siết chế độ ăn nghiêm ngặt, kiêng khem tối đa để đạt được mức đường huyết mục tiêu. Tuy nhiên, sau một quá trình điều trị, nhiều người có xu hướng buông thả, ăn uống thoải mái, một phần nghĩ bệnh đã khỏi, phần khác có thể không quen ăn kiêng. Điều này ảnh hưởng xấu đến đường huyết và kết quả điều trị.
Stress, trầm cảm do bệnh tiểu đường còn dẫn đến mất hứng thú với việc ăn uống. Bác sĩ Tùng dẫn số liệu cho thấy người tiểu đường có nguy cơ trầm cảm cao gấp 2-3 lần so với người không mắc bệnh này, nhưng chỉ 25-50% số này được chẩn đoán và điều trị.
Phần lớn nguyên nhân do trong quá trình điều trị, người bệnh chán nản, lo lắng, thất vọng với việc kiểm soát đường huyết. Một số trường hợp áp lực tâm lý khi phải ép bản thân tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Lâu dần, người bệnh mất ngủ hoặc ngủ nhiều, khó tập trung, mệt mỏi, cáu kỉnh, lo lắng, tuyệt vọng...
Nhiều bệnh nhân tiểu đường điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM gặp tình trạng tương tự. Như ông Trí, 70 tuổi, ngụ An Giang, mắc bệnh tiểu đường hơn 10 năm nay, phải kiêng trái cây ngọt như sầu riêng, thơm, mít, bánh ngọt, kẹo, mứt. Ông bỏ nhậu và ít giao lưu với bạn bè. Chế độ ăn kiêng khiến ông chán ăn, dễ nôn ói. Đến tối, ông hay bị đói, dẫn đến thói quen ăn đêm, khiến đường huyết tăng cao.
Không kiểm soát được đường huyết khiến vết chai ở chân của ông Trí hoại tử, nhiễm trùng, phải nhập viện điều trị.
Chị Ý, 32 tuổi, Bình Dương, mắc bệnh tiểu đường năm 2021. Chị kiêng trà sữa, bánh kẹo và hạn chế ăn cơm, bánh mì trắng... được một năm thì bỏ vì thèm món yêu thích, "không muốn ăn kiêng cả đời". Hai vợ chồng chị Ý lên kế hoạch sinh con từ năm 2021 nhưng chuyển phôi ba lần đều thất bại. Bác sĩ kiểm tra cho biết đường huyết của chị cao khiến khó thụ thai.
Yếu tố ảnh hưởng chủ yếu lên HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) của người bệnh trong chế độ ăn là tổng lượng carbohydrate nạp vào hàng ngày.
Khi biết lượng carbohydrate nạp vào cơ thể dựa trên cân nặng và hoạt động thể lực, người bệnh tiểu đường có thể tính toán ăn đa dạng thực phẩm với nhiều cách chế biến khác nhau. Nhờ đó thực đơn hấp dẫn và ngon miệng hơn nhưng vẫn trong phạm vi lượng carbohydrate được phép dùng hàng ngày. Người bệnh cũng giải tỏa tâm lý, tránh kiêng khem quá cực đoan dẫn đến mệt mỏi, khó duy trì lâu dài.
Chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ góp phần kiểm soát tốt đường huyết mà còn giúp phòng các bệnh khác như mỡ máu, tim mạch, thừa cân, béo phì... Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn tạo thói quen tốt cho sức khỏe. Bác sĩ Tùng khuyến nghị nếu người bệnh tiểu đường gặp khó khăn trong chế độ dinh dưỡng nên đến gặp bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được tư vấn.
Đinh Tiên
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |