Anh Võ Trọng Khánh (Vĩnh Long) được TS.BS Đỗ Minh Hùng (Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) thực hiện phẫu thuật vào giữa tháng 8. Thời điểm nhập viện, anh cao 1,75 m và nặng 127 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 40. Hiện tại, cân nặng của anh còn khoảng 115 kg.
Anh kể lại, từ khi còn bé, anh to cao hơn các bạn cùng xóm, cân nặng ngày càng tăng khi trưởng thành. Dù là người vui vẻ nhưng đôi lúc anh tự ti về ngoại hình, nhất là rất dễ mệt mỏi khi vận động.
Khánh từng thử nhiều phương pháp giảm cân nhưng đều không mang lại kết quả khả quan. Lo ngại về những biến chứng mà thừa cân có thể gây ra như tiểu đường, thoái hóa xương khớp... cùng tiền sử viêm dạ dày tá tràng, anh tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.
Tiến sĩ Minh Hùng cho biết, phẫu thuật giảm cân được chỉ định cho người có BMI trên 35 kèm theo bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp...; hoặc BMI trên 40, đã tập luyện và chế độ ăn uống nghiêm ngặt nhưng không đạt hiệu quả giảm cân như trường hợp của Khánh. Anh là một trong rất nhiều người thừa cân, béo phì, nhất là người trẻ được thực hiện phương pháp này.
Thừa cân quá mức có thể ảnh hưởng đến chức năng tim phổi và các cơ quan khác. Để phòng tránh biến chứng, trước khi phẫu thuật, người bệnh được bác sĩ các chuyên khoa thăm khám, làm quen với chế độ dinh dưỡng sau khi cắt dạ dày trong khoảng một tuần.
Anh Khánh cho biết muốn đặt bóng dạ dày nhưng bác sĩ không đồng ý vì không phù hợp. Khi được tư vấn cắt dạ dày giảm cân, anh không lo lắng vì tin vào tay nghề của bác sĩ.
Người bệnh được phẫu thuật nội soi tạo hình ống dạ dày, gây mê nội khí quản. Phương pháp này giúp giảm thể tích dạ dày và lấy đi phần tế bào gây cảm giác thèm ăn, từ đó, giảm lượng thức ăn dung nạp. Tiến sĩ Hùng và êkip loại bỏ khoảng 70-80% dạ dày ở phía bờ cong lớn, tạo ra một ống dạ dày hẹp với thể tích khoảng 150-200 ml. Dạ dày mới nhỏ hơn, phần lớn hormone ghrelin tạo cảm giác đói và thèm ăn bị lấy đi. Nhờ đó, bệnh nhân ít cảm thấy đói và ăn nhanh no hơn, giảm cân ổn định sau mổ. Phương pháp này không tác động đến ruột nên tránh ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
"Bữa nay mất cái bụng rồi!", anh hào hứng chia sẻ khi giảm được gần 11 kg sau khoảng hai tuần.
Tiến sĩ Hùng cho biết, đa số người bệnh giảm được 70% trọng lượng dư thừa trong vòng một năm sau phẫu thuật. Với tốc độ hồi phục và giảm cân này, Khánh có thể giảm còn dưới 100 kg.
Phẫu thuật giảm cân chỉ là một phần trong chương trình điều trị thừa cân quá mức. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, thường xuyên vận động để duy trì cân nặng lành mạnh.
Tên người bệnh đã được thay đổi.
Phi Hồng