Trả lời:
Có nhiều cách chẩn đoán bướu giáp nhân. Với thăm khám lâm sàng, bác sĩ hỏi tình trạng của người bệnh, quan sát, sờ tuyến giáp để đánh giá, kiểm tra dấu hiệu. Người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử chiếu tia xạ vùng đầu cổ, gia đình có người từng mắc bệnh ung thư tuyến giáp không, các hội chứng liên quan. Bác sĩ cũng xác định tình trạng qua tốc độ phát triển u tuyến giáp, giọng khàn, khó nuốt, đau hoặc bị chèn ép vùng cổ...
Phân loại u giáp nhân dựa vào các đặc điểm như nhân tuyến giáp mềm hoặc cứng, kích thước to hay nhỏ, đau hay không đau. Nếu sờ bướu thấy có nhân cứng có thể là nang tuyến giáp chảy máu hoặc viêm tuyến giáp bán cấp.
Siêu âm tuyến giáp giúp phát hiện bướu nhân giáp. Các phương pháp siêu âm độ phân giải cao cho kết quả chính xác hơn, dễ xác định bướu đơn nhân hay đa nhân, kích thước các nhân, thể tích bướu giáp. Bác sĩ dễ dàng phát hiện các đặc điểm ung thư giáp như nhân giảm âm, bờ không đều, nhân hình tròn đều hoặc cao, tăng sinh mạch máu trong nhân, khối u hoặc hạch lympho vùng cổ.
Phương pháp này còn hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị, theo dõi kết quả hiệu quả hơn. Siêu âm giúp giảm tỷ lệ chọc hút tế bào không xác định từ 15% xuống dưới 4%, nhưng không thể phân biệt tổn thương lành tính và tổn thương ác tính.

Siêu âm có thể giúp xác định bướu đơn nhân hay đa nhân. - Ảnh: Freepik.
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các thăm dò khác để chẩn đoán bướu giáp nhân lành tính hay ác tính bằng các phương pháp khác như xét nghiệm chức năng tuyến giáp, xạ hình tuyến giáp, chụp CT scanner, cộng hưởng từ (MRI), kỹ thuật PET đánh giá chuyển hóa glucose dùng fludeoxyglucose F18, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA).
Khi cổ xuất hiện biểu hiện bất thường như cổ phình to, khó nuốt, đau, giọng khàn hoặc thay đổi giọng nói, mệt mỏi..., bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để thăm khám, điều trị.
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM