ThS.BS Phan Thị Hồng Hải, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết biến chứng viêm phổi là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây tử vong ở trẻ mắc sởi. Tình trạng này do virus sởi gây ra hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn khác.
Cha mẹ cần chú ý theo dõi những dấu hiệu tổn thương phổi sớm để đưa trẻ đi khám, điều trị. Những dấu hiệu cần lưu ý bao gồm thở nhanh (trên 40 lần mỗi phút ở trẻ 1-5 tuổi, trên 50 lần mỗi phút ở trẻ dưới một tuổi), phập phồng cánh mũi, rút lõm hõm ức, đầu gật gù theo nhịp thở, tím tái ở môi và đầu chi, ho có đờm, ho liên tục không ngừng...
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu tổn thương phổi, bác sĩ Hải hướng dẫn cha mẹ thực hiện các điều sau:
Cách ly: Trẻ mắc sởi nên được cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Điều này cũng giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân gây bệnh khác trong cộng đồng, tránh bội nhiễm và biến chứng viêm phổi tăng nặng.
Bổ sung vitamin A: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bổ sung vitamin là biện pháp thiết yếu trong điều trị sởi, giúp giảm đáng kể ảnh hưởng của biến chứng viêm phổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần bổ sung 50.000 IU vitamin A/liều, từ 6 đến 11 tháng tuổi cần được bổ sung 100.000 IU vitamin A/liều, trẻ trên 12 tháng cần 200.000 IU/liều trong hai ngày liên tiếp theo phác đồ điều trị.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Giữ ẩm đường hô hấp: Virus sởi làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ uống đủ nước, chia thành nhiều lần với lượng nhỏ. Trẻ có thể uống những loại nước khác như nước trái cây, súp hoặc cháo loãng. Bé ăn đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu vitamin C, A để tăng cường hệ miễn dịch. Trẻ sơ sinh cần duy trì bú sữa mẹ, bởi sữa mẹ chứa kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng thứ phát.
Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng: Không khí cần trong lành và thoáng mát, lý tưởng nhất có độ ẩm khoảng 60%, tránh gió lùa nhưng vẫn phải đảm bảo không khí lưu thông để giảm nồng độ virus, vi khuẩn. Cần tránh giữ trẻ trong không gian kín, ẩm ướt quá lâu dễ dẫn đến điều kiện thích hợp cho vi khuẩn bội nhiễm phát triển. Nên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 26 độ C, tránh quá nóng hoặc quá lạnh. Phòng của trẻ cần được vệ sinh bằng khăn ẩm thay vì quét khô để tránh bụi bay, đồng thời tránh sử dụng các loại chất tẩy rửa mạnh có thể kích thích đường hô hấp.
Dùng kháng sinh: Trẻ mắc sởi bị viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn cần sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để diệt vi khuẩn. Cha mẹ tham khảo ý kiến bác sĩ và tái khám ngay khi có các dấu hiệu chuyển nặng để tránh biến chứng nặng như suy hô hấp phải thở oxy, giảm nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Hải cho hay tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi và các biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ mắc sởi, phụ huynh cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, dùng thuốc đúng chỉ định, tăng cường dinh dưỡng, thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh. Nếu trẻ có dấu hiệu như sốt cao, khó thở, ho dữ dội, đau ngực, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Tuấn Đạt
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |