BS.CKI Nguyễn Văn Toản, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ có các triệu chứng viêm phổi rõ ràng như sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, ngủ li bì, khó thở, tím tái... thì bệnh đã chuyển nặng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ được phát hiện viêm phổi dù không bị sốt, ho nhiều. Người chăm sóc trẻ cần chú ý biểu hiện bất thường để xử trí kịp thời.
Bác sĩ chỉ định thuốc điều trị cho trẻ viêm phổi tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh. Cha mẹ không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho cho con uống. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp trẻ bị viêm phổi do virus, lạm dụng có thể dẫn đến kháng kháng sinh.
Khi trẻ được chẩn đoán viêm phổi, phụ huynh hạ sốt cho con bằng cách mặc ít áo cho bé hơn, chườm ấm, dùng hạ sốt nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Gia đình nên vệ sinh sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn, virus đường hô hấp khi trẻ bị viêm phổi. Rửa tay trước và sau khi cho trẻ ăn, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Ho là phản xạ tự nhiên để làm thông thoáng đường thở. Không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, cần chú ý vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với trẻ để tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn cho bé. Các dụng cụ chăm sóc trẻ như ti giả, bình sữa, gặm nướu... cần phải sạch sẽ, khô ráo, vô trùng và tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
Viêm phổi thường gặp ở trẻ. Đường hô hấp của trẻ nhỏ hẹp và ngắn nên khi tiếp xúc với virus, vi khuẩn thường gây phản ứng viêm, phù nề niêm mạc đường thở, tình trạng viêm nhiễm dễ lan rộng. Đây là lý do viêm phổi ở trẻ em thường tiến triển nhanh và nặng.
Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm khuẩn dẫn tới viêm phổi trong quá trình sinh nở. Bác sĩ Toản lý giải nguyên nhân do trẻ hít phải nước ối, phân su bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết từ đường sinh dục của mẹ. Quá trình hồi sức và chăm sóc sau sinh không đảm bảo yêu cầu vô trùng có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ y tế, gây viêm phổi. Trẻ sinh non, nhẹ cân, bị trào ngược dạ dày - thực quản cũng dễ mắc bệnh này.
Thai phụ nên có biện pháp chủ động phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ có thể dẫn tới viêm phổi. Cụ thể mẹ tiêm phòng trước sinh đầy đủ, kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện và can thiệp khi có vấn đề sức khỏe ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Sinh con tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Trẻ sơ sinh nên bú mẹ hoàn toàn, ít nhất trong 6 tháng đầu để tăng cường sức đề kháng.
Các nguyên nhân khác có thể gây viêm phổi như mặc nhiều lớp khiến mồ hôi toát ra làm trẻ bị lạnh, sử dụng thiết bị làm mát sai cách, trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm muộn, không giữ ấm kỹ.
Khuê Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |