Tiểu phế quản là các ống dẫn khí nhỏ trong phổi, có vai trò kiểm soát các luồng không khí lưu thông trong phổi. Viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi. Nguyên nhân chủ yếu thường do virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus, virus cúm... hoặc do bội nhiễm vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn... Tác nhân gây bệnh xâm nhập hệ hô hấp có thể gây phản ứng viêm tại tiểu phế quản.
Giống như nhiều bệnh nhiễm trùng hô hấp khác, trẻ bị viêm tiểu phế quản có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ mắc bệnh nhẹ không có biến chứng, phụ huynh có thể chăm sóc con tại nhà. Dưới đây là một số lưu ý giúp bé sớm khỏi bệnh.
Theo dõi chặt chẽ triệu chứng bệnh
Cha mẹ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Triệu chứng của bệnh hô hấp có thể đa dạng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ho là biểu hiện đặc trưng của bệnh, nếu trẻ ho kéo dài không đáp ứng với liệu pháp điều trị thông thường cần đi khám để bác sĩ xem xét có bội nhiễm vi khuẩn hay không.
Một triệu chứng đáng lo ngại khác của bệnh là khó thở hoặc thở khò khè. Nếu trẻ có dấu hiệu này thì cha mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra, điều trị kịp thời. Bé sốt cao liên tục, không giảm sau khi uống thuốc hạ sốt, kèm mệt mỏi, suy kiệt cũng cần đi khám.
Giữ không gian sống thoáng và ấm áp
Môi trường sống ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi sức khỏe. Trẻ bệnh viêm tiểu phế quản thường dễ bị nhiễm lạnh, nên gia đình cần đảm bảo môi trường sống ấm áp, khô ráo. Tránh để trẻ quá nóng vì nhiệt độ cao có thể làm bé khó chịu, gây kích thích đến đường hô hấp.
Để trẻ thở dễ dàng hơn, phụ huynh tạo độ ẩm cho không khí trong phòng bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm. Điều này góp phần làm dịu các triệu chứng khô cổ họng, giảm ho, cải thiện khả năng hô hấp cho trẻ.
Giữ không gian sống sạch sẽ, thông thoáng để tránh vi khuẩn, tác nhân gây dị ứng có thể làm bệnh nặng hơn. Người lớn không nên hút thuốc lá trong nhà. Bởi các hợp chất trong thuốc lá có thể bám và lưu lại rất lâu trên bề mặt vật dụng, quần áo... từ đó ảnh hưởng tới những người tiếp xúc, tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
Ăn uống đủ chất
Trong thời gian điều trị viêm tiểu phế quản, trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Thực phẩm giàu vitamin A, C, kẽm, sắt như cam, quýt, cà rốt, khoai lang, thịt gà, cá... hỗ trợ quá trình hồi phục của cơ thể.
Nước làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp, giúp trẻ dễ dàng ho, thông thoáng đường thở. Nước lọc ấm, nước trái cây hoặc súp làm dịu cổ họng của trẻ và ngăn ngừa khô họng, kích thích ho. Cha mẹ tránh cho trẻ uống nước quá lạnh vì có chứa caffeine làm tình trạng ho nặng hơn.
Nghỉ ngơi hợp lý
Cơ thể của trẻ cần thời gian để phục hồi khi bị ốm, cần hạn chế tham gia hoạt động thể chất nặng. Bé nên ngủ đủ 8 tiếng để cơ thể phục hồi. Khi trẻ ngủ, cơ thể có thời gian để tái tạo, cải thiện hệ miễn dịch, khỏi bệnh nhanh hơn.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Viêm tiểu phế quản có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra nên thuốc là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho con. Bé uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần tuân thủ đúng liều lượng, thời gian để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Tuấn lưu ý nhiều phụ huynh khi nhận thấy triệu chứng bệnh của bé giảm thường dừng thuốc. Sử dụng thuốc không đủ liều, nồng độ thuốc chưa đủ để tiêu diệt tác nhân gây bệnh dẫn đến không điều trị triệt để.
Khuê Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |