Trong một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, các chuyên gia đã tìm thấy mối liên hệ giữa nhiệt độ tăng với số người nhập viện cấp cứu vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và nhiễm trùng đường hô hấp. Họ cho rằng, thời tiết nóng có thể gây khó khăn đối với những người bị rối loạn hô hấp.
Hít thở không khí nóng làm thúc đẩy viêm đường thở, đồng thời làm trầm trọng hơn các rối loạn hô hấp như COPD. Thời tiết nắng nóng cũng là yếu tố kích thích người mắc bệnh hen suyễn, bởi vì những người bị hen suyễn có đường thở bị viêm từ trước, khi hít thở trong không khí nóng, ẩm gây ra co thắt đường thở. Ô nhiễm không khí cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc hít thở vào mùa hè ở những người bị bệnh phổi.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Respiratory Physiology & Neurobiology (Mỹ) kết luận rằng, không khí nóng gây kích ứng đường thở và ho ở những người bị viêm mũi dị ứng (bệnh viêm đường hô hấp trên). Khi thời tiết nóng bức, mọi người đổ mồ hôi nhiều hơn và có xu hướng mất nước. Điều này có thể làm khô đường mũi, ống phế quản, phổi, dẫn đến khó thở.
Để hạn chế các tác nhân không khí ảnh hưởng đến phổi vào mùa nắng nóng, các bác sĩ hướng dẫn một số mẹo chăm sóc phổi bằng cách thực hiện một số thay đổi đơn giản trong thói quen hàng ngày.
Ở trong nhà: không bước ra khỏi nhà trừ khi cần thiết, đóng cửa sổ, cửa ra vào để giữ cho ngôi nhà luôn mát mẻ. Bạn có thể cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng cách sử dụng bộ lọc không khí và giảm các chất gây kích ứng như nước hoa nhân tạo, nấm mốc và bụi.
Cập nhật thông tin thời tiết: kiểm tra thời tiết (nhiệt độ và độ ẩm), số lượng phấn hoa trong không khí và chỉ số chất lượng không khí (AQI) trước khi ra ngoài. Người có các vấn đề về hô hấp không đi ra khỏi nhà nếu thời tiết dự báo có nhiều phấn hoa, hạt vật chất trong không khí vì chúng có thể kết hợp với nhiệt và gây ra ho, thở khò khè, đặc biệt đối với những người bị bệnh đường hô hấp. Nếu cần ra ngoài, hãy đeo khẩu trang để tránh hít phải các chất ô nhiễm.
Lập kế hoạch trong ngày phù hợp: tránh ra ngoài vào thời điểm nắng nhất trong ngày, thường là từ 11-15 giờ, lên kế hoạch cho công việc bằng cách hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi không khí mát mẻ. Bạn có thể tắm thường xuyên nếu cảm thấy quá nóng, nên che người bằng vải nhún, mũ, khăn quàng cổ, hoặc sử dụng ô khi ra ngoài trời.
Bỏ các lựa chọn lối sống không lành mạnh: người hút thuốc phải bỏ thuốc lá để cải thiện nhịp thở và chức năng phổi. Tránh uống rượu vì rượu có xu hướng làm cơ thể mất nước.
Chọn quần áo phù hợp, không tập quá sức: mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton sáng màu trong mùa hè, bạn cũng nên tránh tập các bài tập gắng sức như chạy, đạp xe hoặc đi bộ lên dốc với một balô nặng.
Thay đổi chế độ ăn uống: giữ nước cho bản thân bằng cách uống nhiều nước. Người có nhu cầu chăm sóc và bảo vệ phổi, tốt nhất nên ăn thực phẩm có hàm lượng nước cao như dưa hấu, xoài, dưa chuột; duy trì cân nặng hợp lý và ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, bao gồm cả thực phẩm giàu chất chống oxy hóa; tiêm vaccine cúm, vaccine viêm phổi để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi, khuyến khích sức khỏe của phổi. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp về sức khỏe bằng các loại thuốc giảm đau nhanh khẩn cấp (đối với các vấn đề về hô hấp).
Nếu gặp phải tình trạng khó thở vào mùa hè, bạn có thể cải thiện nhịp thở bằng cách:
Điều chỉnh tư thế ngủ: tư thế ngủ có thể ảnh hưởng đến hơi thở. Thay vì bạn nằm ngửa, hãy thử nằm nghiêng khi ngủ, kê cao đầu bằng gối và kê gối giữa hai chân. Tư thế này giúp giữ cho cột sống thẳng hàng, giúp giữ cho đường thở thông thoáng và có thể ngăn ngừa chứng ngáy ngủ.
Thực hành thiền thường xuyên: dành thời gian để tập trung vào hơi thở mà không cố gắng kiểm soát nó. Lợi ích bổ sung có thể bao gồm tinh thần minh mẫn, yên tâm, ít căng thẳng hơn. Bạn nên chọn tư thế tốt giúp đảm bảo rằng ngực, vùng ngực của cột sống mở rộng hoàn toàn, giúp việc thở hiệu quả hơn.
Hét lớn lên: bạn có thể cân nhắc tham gia ca hát để cải thiện nhịp thở và cải thiện chức năng phổi. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) nếu hát thường xuyên sẽ giảm được tình trạng khó thở và có thể kiểm soát các triệu chứng. Ca hát giúp những người bị bệnh phổi bằng cách dạy họ thở chậm và sâu hơn cũng như tăng cường các cơ thở.
Kéo dài và uốn cong người: thực hiện các bước để giảm căng thẳng ở vai, ngực và lưng, các bài tập này giúp cơ thể mở rộng hoàn toàn lồng ngực theo mọi hướng khi thở.
Thực hành thở: thực hành thở có thể giúp tăng cường hiệu quả của hơi thở thông qua các kỹ thuật như thở qua lỗ mũi luân phiên, thở phối hợp, thở sâu, nhịp thở được đánh số, căng xương sườn...
Anh Chi (Theo Apolle247, Very Well Health)