Trả lời:
Túi mật là cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ở phía bên phải bụng, vùng dưới gan. Đây là nơi dự trữ dịch mật, dịch mật tiết vào ruột non làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn.
Sỏi mật hình thành trong túi mật hoặc đường mật, kích thước từ hạt cát cho đến quả bóng bàn. Đây là bệnh lý lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi mật gây tắc mật. Biến chứng thường gặp như viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật, viêm tụy cấp, viêm mủ đường mật, áp xe gan mật, sốc nhiễm khuẩn đường mật.
Bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Trường hợp sỏi làm tắc nghẽn túi mật gây viêm, biểu hiện gồm cơn đau đến đột ngột, ở ngay dưới xương sườn bên phải, giữa hai bả vai hoặc ở vai phải. Người bệnh có thể buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, sốt trên 38 độ kèm cảm giác rét run, rối loạn tiêu hóa.
Trường hợp của bạn cần xác định kích thước sỏi, mức độ ảnh hưởng đến cơ thể, sau đó bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Sỏi mật gây viêm túi mật, viêm đường mật cần điều trị sớm. Trường hợp sỏi di chuyển từ đường mật vào ruột, các phương pháp điều trị như sau:
Cắt túi mật có thể thực hiện bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi. Sau phẫu thuật cắt túi mật, sỏi mật vẫn có thể tái phát trong vòng một năm. Người bệnh cần được cung cấp axit ursodeoxycholic để tránh tái sỏi.
Nội soi mật tụy ngược dòng: Phương pháp này được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ cho người bệnh. Bác sĩ dùng một camera sợi quang linh hoạt hoặc ống nội soi, đưa vào miệng, qua hệ thống tiêu hóa và vào đường mật giúp lấy sỏi kẹt ở đoạn cuối đường mật.
Tán sỏi: Bác sĩ dùng sóng xung kích siêu âm để làm vỡ sỏi. Sỏi bị đánh nhỏ có thể trôi qua đường mật vào ruột non. Đây là loại điều trị không phổ biến và chỉ được áp dụng đối với người bệnh có ít sỏi mật.
Hiện chưa rõ nguyên nhân hình thành sỏi mật, nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ như ít vận động, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, giảm cân trong thời gian ngắn. Người bệnh đái tháo đường, sử dụng thuốc hạ cholesterol máu, gia đình mắc sỏi mật... cũng thuộc nhóm nguy cơ.
Để ngăn ngừa sỏi mật, nên có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc, ưu tiên chất béo tốt từ nguồn thực phẩm như dầu cá, dầu ô liu. Hạn chế tinh bột, đường, chất béo không lành mạnh, thực phẩm giàu chất béo bão hòa. Duy trì vận động thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần. Không áp dụng các biện pháp nhịn ăn và giảm cân nhanh. Khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát bệnh tật và phát hiện sỏi mật.
BS.CKII Võ Ngọc Bích
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc có thể đặt câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp.