Các bác sĩ liên khoa Ngoại Tổng hợp và Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chẩn đoán chị Mai bị viêm ruột thừa, tình trạng đau bụng không phải bất thường về thai sản.
Viêm ruột thừa ở thai phụ thường diễn tiến nhanh. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.
Ngày 15/3, thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lượng, khoa Ngoại Tổng hợp, cho biết khi có thai, manh tràng nơi vị trí gốc ruột thừa và ruột thừa bị tử cung đẩy lên cao hơn vị trí hố chậu phải, vị trí thai lại ở phía dưới hạ vị, vết mổ cần đủ lớn để thực hiện đồng thời. Nếu phẫu thuật mở cắt ruột thừa cần kết hợp với mổ lấy thai sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ và bé, do ảnh hưởng của dịch mủ viêm trong quá trình thực hiện. Đồng thời vết mổ dài gây mất thẩm mỹ, làm chậm quá trình hồi phục sức khỏe.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, giữ an toàn cho thai nhi ở tuần 37. Phẫu thuật nội soi giúp kéo dài thêm thời gian thai nhi trong bụng mẹ.
![Bác sĩ Lê Văn Lượng (bên trái) phẫu thuật nội soi cho chị Mai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/03/14/ruot-thua-8524-1710398141.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0ertQBsCJa7L9bf9eXa9mQ)
Bác sĩ Lê Văn Lượng (bên trái) phẫu thuật nội soi cho chị Mai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tử cung của chị Mai kích thước lớn đẩy ruột thừa lên trên, nằm trong khe giữa tử cung và thành bụng. Ruột thừa nằm vùi sau ngách giữa mạc treo hồi tràng và manh tràng, phần thân ruột thừa gập góc vùi trong rễ mạc treo gây khó khăn cho phẫu thuật. Phần đầu ruột thừa viêm căng mủ, bên ngoài có nhiều giả mạc, có ít dịch mủ xung quanh khiến khoảng không (phẫu trường) để bác sĩ thực hiện phẫu thuật hạn chế.
Bác sĩ Lượng cho biết để giữ an toàn cho thai nhi, tránh ảnh hưởng tử cung và các tạng lân cận, kíp mổ chọn đường tiếp cận phẫu thuật ở bên nửa bụng phải, không như các bệnh nhân mổ ruột thừa thông thường. Tư thế người bệnh nghiêng bên trái (tư thế tốt cho thai nhi do tử cung dịch về bên trái), cố định vào bàn phẫu thuật giúp bác sĩ thao tác thuận lợi, giảm tối đa nguy cơ tổn thương tử cung và ruột. Bác sĩ cần tính toán lượng thuốc mê phù hợp, thời gian phẫu thuật nhanh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Sau gần 40 phút phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của thai phụ và thai nhi ổn định, không xuất hiện các cơn gò gây chuyển dạ sớm.
Sau mổ, chị Mai ăn uống và sinh hoạt lại bình thường, được chuyển sang khoa Sản để tiếp tục theo dõi. Một tuần điều trị tích cực, thai phụ sinh thường ở tuần 38. Bé trai chào đời khỏe mạnh, cân nặng 3,5 kg. Tình trạng viêm ruột thừa của người bệnh được xử lý triệt để.
Tỷ lệ viêm ruột thừa ở thai phụ là 1/1400-1500 ca, theo bác sĩ Lượng. Triệu chứng đau do viêm ruột thừa cấp ở phụ nữ mang thai dễ nhầm lẫn với các vấn đề trong thai kỳ như viêm phần phụ phải, chửa ngoài dạ con, dọa sảy thai, nang buồng trứng xoắn, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, viêm túi mật, đau quặn thận do sỏi, chuyển dạ.... dễ dẫn tới nguy cơ phát hiện muộn, điều trị chậm trễ, nguy hiểm cho mẹ và bé.
Bác sĩ Lượng khuyến cáo phụ nữ mang thai khi có các dấu hiệu nghi ngờ như đau bụng, sốt, nôn, đau hố chậu phải hoặc có điểm đau trên vùng bụng ở nửa bụng phải, rối loạn tiêu hóa... cần đến ngay cơ sở y tế đa chuyên khoa để được chẩn đoán xác định phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Lục Bảo
* Tên người bệnh đã được thay thế
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |