Suốt thai kỳ, chị kiểm tra sức khỏe thường xuyên, mẹ và con khỏe mạnh. Tái khám sau sinh cách đây một tháng, khối u tăng từ 2 cm ban đầu lên hơn 6 cm. Kết quả sinh thiết tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy khối u là một tế bào giáp biên ác tính (mức độ u hóa ác tính cao).
Ngày 13/11, BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết bệnh nhân cần phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm càng tốt, tránh di căn sang các cơ quan khác. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi C, bệnh tan máu Thalassaemia (hàng tháng phải truyền máu), đái tháo đường, xơ gan nặng dễ gây chảy máu nếu nội soi kéo dài.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ hở, lấy trọn khối u ở vị trí phân thùy sáu của gan.
Sau mổ, người bệnh hồi phục tốt, xuất viện với chỉ định tái khám định kỳ để theo dõi tế bào ung thư, ngăn nguy cơ tái phát.
Thống kê của Globocan 2020, gần 26.400 ca mắc mới ung thư gan tại Việt Nam, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư. Số tử vong do ung thư gan đứng hàng đầu với khoảng 25.200 ca, chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư.
Bác sĩ Ngọc Bích cho biết tỷ lệ tử vong ung thư gan cao do diễn biến âm thầm, đa số phát hiện muộn khó chữa. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời có thể điều trị hiệu quả ung thư gan. Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi, giới tính.
Nguyên nhân gây ung thư gan chưa xác định. Một số yếu tố nguy cơ cao gồm người xơ gan do nhiễm viêm gan virus B, viêm gan virus C, xơ gan do rượu, gan nhiễm mỡ, nhiễm độc aflatoxin (có trong các thực phẩm bị nấm mốc).
Để phòng ngừa bệnh cần duy trì sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học, tránh thực phẩm độc hại, nhiễm độc, tiêm vaccine. Nhóm người có nguy cơ cao cần tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Thảo Nhi
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |